Giải phóng Mosul bước vào giai đoạn cuối: IS vẫn còn cơ hội tồn tại dai dẳng

Linh Nguyễn |

Trong bối cảnh cuộc giao tranh giải phóng Mosul đang bước vào giai đoạn cuối, Nhà nước Hồi giáo (IS) tại khu vực dường như vẫn còn "đất" sống.

Thủ tướng Iraq Hayder al-Abadi công bố diễn biến của chiến dịch giành lại Mosul từ tay IS vào hôm 14/3: "Cuộc chiến đang bước vào giai đoạn cuối. Bọn chúng đã bị đẩy vào bước đường cùng, nếu không ra đầu hàng thì chắc chắn sẽ bỏ mạng."

Mặc dù cuộc giao tranh phía trước vẫn vô cùng gian khổ, đòi hỏi quân đội phải chiến đấu ngay sát dân thường trên những con hẻm quanh co của thành cổ Mosul, thái độ tự tin về kết cục thế trận của Thủ tướng Abadi dường như có cơ sở. 

Tuy nhiên, Al Jazeera đặt câu hỏi, việc giải phóng Mosul sẽ đem lại những hậu quả sâu xa như thế nào đối với IS?

Phân rã thành phe nổi dậy

Thứ nhất, xét trên khía cạnh chiến lược, IS sẽ tiếp tục phân rã thành một phe phái nổi dậy. Điều này sẽ đẩy dân thường vào vô vàn hiểm nguy, do số lượng cuộc đánh bom tự sát gần như chắc chắn sẽ gia tăng, cũng như các vụ tấn công vào dòng người hành hương, tang lễ và cơ sở hạ tầng địa phương. 

Tồi tệ hơn, sự phân rã này lại hoàn toàn có lợi cho các thủ lĩnh của IS. Trong hàng ngũ lãnh đạo IS, có nhiều tên đã từng trải qua thời gian hoạt động trong các băng đảng nổi dậy ở Iraq hậu xâm lược, dưới lá cờ của Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo. 

Hồi tháng 6/2016, khi IS gần như chắc chắn sẽ mất kiểm soát một số khu vực quan trọng tại Iraq và Syria, một xe bom đã nổ tung gây rung chuyển quận Karada tại thủ đô Baghdad, tàn sát hơn 200 dân thường. 

Ngay sau vụ đánh bom thảm khốc nhất Baghdad kể từ năm 2003, 3 kẻ đánh bom tự sát đã nhắm vào một thánh địa ở Balad. 

Vào 24/2 vừa qua, các chiến binh IS bị đẩy lui khỏi Al Bab - thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố tại bắc Syria. Ngay ngày hôm sau, hai vụ đánh bom tự sát đã cướp đi 53 sinh mạng. 

Sau chiến dịch đẩy lui IS ra khỏi thành phố Sirte thuộc Libya hồi tháng trước, chính quyền chắc chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ các phần tử nằm vùng thuộc IS sẽ vùng lên xâm nhập Tripoli và các thành phố lớn khác. 

Không chỉ vậy, IS sẽ còn tiếp tục gia tăng truyền bá tư tưởng cực đoan và đẩy mạnh việc tuyển quân - lý do để chúng còn có thể tồn tại. Động thái phân rã thành tổ chức nhỏ hơn còn khiến IS có khả năng hòa nhập mạnh mẽ hơn ở các "nước chủ nhà" trên toàn thế giới. 

Giải phóng Mosul bước vào giai đoạn cuối: IS vẫn còn cơ hội tồn tại dai dẳng - Ảnh 1.

Bản đồ tình hình thế trận tại Mosul - Việt hóa theo Al-Jazeera. (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Giữa vòng lửa đạn ở Syria

Việc giải phóng Mosul sẽ gây tác động mạnh mẽ tại Syria, nơi mà IS phải đối đầu với cả lực lượng người Kurd và quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng Dân chủ Syria, với hậu thuẫn của người Kurd, đã di chuyển vào khu vực xung quanh và cắt nguồn viện trợ cho thành phố Deir Az-Zor, nhằm mục đích cô lập và bao vây "thủ đô" IS từ mọi phía. 

Như vậy, khi IS bị tấn công và lực lượng bị phân tán, có thể chúng sẽ leo thang cuộc chạy đua với al-Qaeda. 

Tại Syria, al-Qaeda chiếm lực lượng chính trong phe nổi dậy, hoạt động chính thức dưới lá cờ Jabhat al-Nusra cho đến tháng 7/2016, và từ đó hoạt động không chính thức dưới tên Jabhat Fateh al-Sham (JFS). 

Lãnh đạo JFS đặt mục tiêu tuyên truyền phe nổi dậy từ gốc rễ, và luôn tìm cách xâm nhập dần vào xã hội Syria.

Tuy nhiên cùng lúc đó, chính JFS cũng đang bên bờ vực xung đột với một phe phái Hồi giáo khác là Ahrar al-Sham - một tổ chức vừa tiếp nhận nhiều phe phái muốn được bảo vệ khỏi JFS. Căng thẳng hiện đang sục sôi tại Idlib, tỉnh cuối cùng do quân nổi dậy quản lý.

Tại trung tâm "mạng nhện" chia rẽ này là quá trình hòa đàm với chính quyền Assad, và các bên đổ lỗi qua lại cho nhau vì Aleppo sụp đổ. Nếu các thành tố đã phân rã của IS tham gia vào "mớ bòng bong" này, nguy cơ bùng nổ xung đột mới hoàn toàn hiện hữu. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại