Giấc mơ Viettel 4.0
Thực tế, không phải đến bây giờ mà ngay từ 8 năm trước (2010) khi "cách mạng công nghiệp 4.0" hay "Chính phủ điện tử" còn là một khái niệm mới trên thế giới thì Viettel đã bắt đầu nghiên cứu về Chính phủ điện tử, chính phủ số, hướng đến số hóa nền kinh tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, gần gũi nhất, chắc chắn nhất và hiện đại nhất, góp phần trong công cuộc thay đổi diện mạo đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Khát vọng ấy đã được Viettel cụ thể hóa bằng quyết tâm, sự đầu tư bài bản và hành động triệt để trong thời gian qua, được sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ và cộng đồng xã hội với các sản phẩm như: Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại tất cả các Bộ, địa phương, Tập đoàn, và Tổng Công ty nhà nước; Hệ thống Một cửa Quốc gia; Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia trong lĩnh vực Y tế; Ứng dụng phần mềm quản lý trường học và mạng xã hội học tập trực tuyến, và nhiều sản phẩm khác trong các lĩnh vực chuyên ngành như Y tế, Giáo dục,…
Viettel cũng đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng thành phố thông minh với 23 Tỉnh, Thành phố trên cả nước, thực hiện triển khai Smartcity cho Phú Thọ và Huế.
Với vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong về công nghệ, Viettel đã xây dựng hạ tầng số hiện đại mà không phải đơn vị nào cũng làm được.
Đó là hạ tầng cáp quang với 500.000 km; hạ tầng 3G & 4G phủ sóng đến 95% dân số; 95% lãnh thổ Việt Nam; 5 Data Center tiêu chuẩn quốc tế Tier 3 có thể chứa đến 150.000 máy chủ; 5.000 trạm NB-IoT, hạ trầng thanh toán tích hợp với 33 ngân hàng và hơn 9.000 điểm giao dịch, hạ tầng logistic với 1.000 bưu cục cùng 5.000 điểm giao dịch, …
Đặc biệt, Viettel sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao với 5.000 kỹ sư công nghệ cao, 10.000 nhân sự kỹ thuật tại 64 tỉnh thành, khoảng 700 huyện, và 11 nước trên thế giới.
Trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao về những giải pháp mà Viettel đã cung cấp cho Bộ Y tế để thực hiện mục tiêu đem công nghệ phục vụ sức khỏe con người.
"Phong cách của Viettel là tận tình. Khi có yêu cầu gì, họ đều có hướng tháo gỡ và đưa ra giải pháp rất nhanh chóng.
Đặc biệt, do khối lượng khổng lồ của các thông số, thông tin trong hệ thống Y tế nên vấn đề bảo mật là rất quan trọng. Sử dụng dịch vụ của một tập đoàn lớn như Viettel, chúng tôi cảm thấy tin tưởng hơn về việc đảm bảo an toàn cho thông tin y tế của mọi người" – lãnh đạo Bộ Y tế nói.
Sự ra đời của Tổng công ty thứ 6
Phát biểu tại sự kiện, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Viettel khẳng định: "GPDN Viettel không chỉ phục vụ mục đích kinh doanh mà còn mang sứ mệnh đồng hành cùng Chính phủ xây dựng thành công một "Chính phủ số", hợp tác cùng các doanh nghiệp và người dân để giải quyết các vấn đề của xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người và vì một Việt Nam phát triển bền vững".
Từ 2016-2018, kết quả kinh doanh Khối GPDN đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về doanh thu là 12,6%, 8 tháng đầu năm 2018 đạt 25%, trong đó mảng Giải pháp CNTT có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tương đương CAGR là 75,3%.
Với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và "chạy đà" thần tốc đó, cho đến nay, Khối GPDN đã hội tụ đủ điều kiện để tách khỏi TCT Viễn thông. Đó là lý do ra đời của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp vào ngày 15/10/2018.
Tại buổi lễ công bố quyết định thành lập, ông Phùng Văn Cường – Tổng Giám đốc của GPDN Viettel một lần nữa khẳng định các mục tiêu của Viettel khi thành lập Tổng công ty thứ 6.
Thứ nhất, Viettel sẽ tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng số, hạ tầng 4.0 sẵn sàng trở thành hạ tầng quốc gia, phục vụ mục đích của Quốc gia, để Chính phủ và Doanh nghiệp cùng phát triển trên hạ tầng đó, góp phần thúc đẩy nền kinh tế chung.
Thứ hai, Viettel sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ tư vấn, tích hợp và quản lý dịch vụ toàn trình từ tư vấn về chiến lược, kiến trúc, lộ trình thực hiện công cuộc chuyển đổi số, thực hiện tích hợp giải pháp cho các dự án lớn và trọng điểm quốc gia yêu cầu lực lượng trải dài trên toàn quốc; đến cung cấp dịch vụ vận hành khai thác công nghệ thông tin cho doanh nghiệp và chính phủ với đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm, quy trình vận hành tiêu chuẩn quốc tế, công cụ vận hành tiên tiến và tự động hóa lên đến 70%.
Thứ ba, Viettel đặt mục tiêu phải tham gia tích cực vào Dự án Chính phủ điện tử - chính phủ số, nhanh chóng số hóa các thủ tục hành chính giúp nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đồng thời, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp tiếp tục xây dựng các hệ thống một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến để người dân có những trải nghiệm tốt đẹp hơn trong lương lai.
Thứ tư, Viettel tập trung xây dựng giải pháp đô thị thông minh – Smart city với các giải pháp phù hợp với từng tỉnh, thành phố để giải quyết những vấn đề riêng của địa phương đó.
Thứ năm, Viettel đặt mục tiêu giúp các doanh nghiệp thông minh hóa các hoạt động nội bộ và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm mang đến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ những nền tảng, công cụ phát triển toàn diện từ quản lý, điều hành đến kinh doanh dịch vụ.
Trong lĩnh vực sản xuất, với gần 400 khu công nghiệp khắp cả nước, Viettel sẽ triển khai giải pháp quản lý hoạt động sản xuất giám sát tiết kiệm năng lượng và giám sát máy móc, quản lý quy trình sản xuất (vFactory) tới các doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện quy trình vận hành của doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí năng lượng, chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thứ sáu, Viettel đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, phong phú, có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực của cuộc sống; hướng đến triển khai 100% các tiện ích trên nền tảng di động.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực Giáo dục, Viettel sẽ đẩy mạnh xây dựng Hệ sinh thái giáo dục, nhằm giúp ngành giáo dục có một hệ thống có tính liên thông kết nối; để mỗi học sinh sẽ có một mã số định danh từ lúc bắt đầu đi học, kết thúc THPT cho đến lên đại học.
Toàn bộ kết quả và quá trình học tập của học sinh sẽ được số hóa và lưu trữ trong hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chung của ngành.
Đối với Y tế, Tổng công ty mới này sẽ hoàn thành xây dựng và triển khai toàn quốc hàng loạt các hệ thống quốc gia cho 3 nhóm chính là hệ dự phòng, hệ điều trị, truyền thông y tế. Từ đó hình thành cơ sở dữ liệu lớn ngành y tế, mã số và hồ sơ sức khỏe cho từng người dân.
Ngoài ra, Viettel cũng cho ra đời các giải pháp công nghệ thông minh có giá trị nhân văn, thực tiễn cao, giải quyết những vấn đề "nóng" của xã hội như sản phẩm cảnh báo cháy nhanh (SafeOne) và giải pháp giám sát cửa hàng tự động (vSafe) dành cho các hộ kinh doanh cá thể và các hộ gia đình; hệ thống cảnh báo thiên tai, giúp cảnh báo trước các nguy cơ, giúp giảm thiểu ảnh hưởng về con người, tài sản; giải pháp giám sát tàu cá sẽ là công cụ dẫn đường, công cụ liên lạc của các chủ tầu khi mất phương hướng khi đi biển và cũng là công cụ giám sát của cơ quan chức năng,…