“Giải mã” tục cúng Việc lề của người dân ngày mùng 4 Tết

Duy Thanh |

Tại tỉnh Long An, nghi lễ cúng Việc lề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014.

Tục cúng Việc lề ở Long An là nghi thức cúng truyền thống được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang. Hàng năm, vào ngày mùng 4 Tết, người dân nơi đây tổ chức cúng các vị thủy tổ dòng họ. Đây là kiểu giỗ hội, là ngày hiệp kỵ tổ tiên của một dòng họ.

 “Giải mã” tục cúng Việc lề của người dân ngày mùng 4 Tết  - Ảnh 1.

Vào ngày cúng Việc lề, người thân cùng dòng họ ghi tên vào các giấy để cầu bình an

Theo đó, cúng Việc lề là tín ngưỡng đặc thù của địa phương Nam bộ, được hình thành từ thời khẩn hoang đến nay đã trên dưới 300 năm. Lễ này như một sinh hoạt văn hóa đặc thù có tác dụng gắn kết cộng đồng, củng cố tình thân gia tộc, dòng họ, bộc lộ sự đồng cảm, lòng nhớ ơn của con cháu đối với nguồn cội, tổ tiên và công cuộc mở đất của các bậc tiền thân.

Nhiều người dân sinh sống tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, cho biết cúng Việc lề khá phức tạp, đa dạng vì lễ này bao hàm nhiều lễ nghi. Quan niệm tín ngưỡng này khá rõ ràng, rạch ròi như một công thức: "Trước hết là cúng Việc lề, sau là cúng đất, cầu an cho dòng họ…".

 “Giải mã” tục cúng Việc lề của người dân ngày mùng 4 Tết  - Ảnh 2.

Con cháu khắp nơi tụ về khấn vái tổ tiên, thể hiện tình cảm thiêng liêng về nơi chôn nhau cắt rốn

Điểm đặc biệt trong nghi thức cúng Việc lề là người cúng cố tái hiện lại cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của ông bà, tổ tiên thời xưa đi khẩn hoang ở Nam bộ, như thức ăn cúng được bày ngoài sân giữa trời đất. Thức ăn cúng đều là những món ăn mộc mạc, đơn sơ, phản ánh hoàn cảnh sống thiếu thốn, như cá lóc nướng trui, canh chua, cá để nguyên vảy, không chặt bỏ kỳ, vi, đuôi (vì không có dao); rau luộc (rau mọc dại ven sông)…

 “Giải mã” tục cúng Việc lề của người dân ngày mùng 4 Tết  - Ảnh 3.

Hình thức cúng này nhằm tái hiện lại cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của tổ tiên thời xưa đi khẩn hoang

Cách thức cúng được tổ chức nhằm để con cháu đời sau hình dung phần nào cuộc dấn thân phiêu bạt tìm đất sống gian nan của tiền thân, từ đó nhớ ơn tổ tiên và cố gắng sống cho xứng đáng với sự hy sinh ấy.

Theo ông Huỳnh Văn Ấn, ngụ ấp Hoàng Mai, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An: "Cúng Việc lề còn là dạng "giỗ hội", là ngày "hiệp kỵ" tổ tiên của một dòng họ, những bậc tiền bối quá vãng từ 4 đời trở về trước được tổ chức cúng gom chung lại. Các bài vị thờ quá 4 đời trong nhà sẽ được con cháu chuyển về thờ chung nơi miếu họ, từ đường… để rồi đến ngày giỗ của dòng họ sẽ tổ chức "giỗ hội" chung một lần".

 “Giải mã” tục cúng Việc lề của người dân ngày mùng 4 Tết  - Ảnh 4.

Các món ăn được chế biến theo kiểu dân dã

Còn theo ông Huỳnh Văn Sáu, ngụ ấp Hoàng Mai, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An: "Cúng Việc lề hoàn toàn mang tính cách riêng tư của từng dòng họ, nên mỗi dòng họ tự quy ước với nhau về ngày cúng và thức cúng, như là một hình thức ghi "gia phả sống". 

Xưa kia do chiến tranh, loạn lạc, bắt bớ, truy nã… nên nhiều gia đình, dòng họ phải thay tên đổi họ, đốt bỏ gia phả để tránh liên lụy, do đó ngày cúng, thức cúng được quy định trong cúng việc lề được xem như một "ký hiệu riêng" của nhiều dòng họ ở Nam bộ. Cúng Việc lề còn nhằm cầu an cho dòng họ, khấn bái ông bà, tổ tiên quá vãng phù hộ con cháu tránh được mọi điều rủi ro, dịch bệnh, tai ương...".

Tại tỉnh Long An, nghi lễ này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại