Giải mã sự bộc phát sức mạnh siêu nhiên ở con người

Một nữ sinh bình thường bỗng có khả năng nhấc bổng chiếc xe nặng hơn 1 tấn đang đè lên cha mình. Một “bà mẹ bỉm sữa” đánh thắng chú gấu Bắc Cực đang đe dọa tính mạng đứa con. Nguồn siêu sức mạnh đó từ đâu mà có?

Siêu nhân trong vóc người thường?

Theo BBC, kỷ lục người đàn ông khỏe nhất thế giới đang thuộc về ông Zydrunas Savickas - người nâng được 524kg. 

Tuy nhiên, một số người bình thường từng nâng được vật nặng hơn nhiều, nhưng chỉ trong tình huống đặc biệt, duy nhất.

Năm 2012, cô Lauren Kornacki 22 tuổi - sinh viên Đại học Mary Washington, sống ở bang Virginia (Mỹ) - gây kinh ngạc khi nhấc bổng chiếc xe BMW 525i nặng hơn 1 tấn đang đè lên cơ thể cha cô sau khi chiếc xe bị đổ khỏi giá đỡ. Nhờ đó, Lauren đã cứu sống được cha mình.

Giải mã sự bộc phát sức mạnh siêu nhiên ở con người - Ảnh 1.

 Một pha thể hiện sức mạnh "siêu nhiên" trong phim Hancock. Ảnh: Taringa

Chia sẻ về tình huống nguy nan đó, cô kể: “Tôi thấy cha nằm bất động và bị chiếc xe đè lên người. Lúc đó, tôi chỉ kịp hét lên một tiếng và nghĩ bằng mọi giá phải cứu được cha, chậm một phút thôi là cha tôi sẽ chết. 

Tôi làm mọi việc hoàn toàn theo bản năng của mình. Tôi nâng chiếc xe lên… Ban đầu việc đó thật khó khăn nhưng tôi thử lại và cuối cùng đã cứu được cha tôi ra”.

Tương tự trước đó 7 năm - tức vào năm 2005, ở Tucson, Arizona (Mỹ), người đàn ông tên là Tom Boyle đã nhấc bổng chiếc xe hơi Chevy Camaro để cứu mạng một tay đua xe đạp bị mắc kẹt bên dưới gầm xe.

Không phải sự kiện bộc phát siêu sức mạnh nào cũng liên quan đến xe hơi. Một bà mẹ ở Canada tên là Lydia Angyiou từng chiến đấu với con gấu Bắc Cực ở bắc Québec để bảo vệ con trai và các bạn của bé. Những đứa trẻ bị gấu tấn công trong lúc chơi khúc côn cầu.

Thành tích phi thường của những người bình thường nói trên được cho là đến từ sự bộc phát nguồn siêu sức mạnh tiềm ẩn trong cơ thể họ trong những giây phút sinh tử, những tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Hiện tượng này thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và họ đang cố gắng giải mã chính xác những gì đứng sau sự xuất hiện những “siêu nhân đội lốt người thường” này.

Con người mạnh hơn so với tưởng tượng

Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành - đặc biệt là trên vận động viên, giúp khám phá các yếu tố sinh lý và tâm lý giúp đánh thức nguồn siêu sức mạnh để nó bộc phát.

Robert Girandola - Giáo sư vận động học của Đại học Nam California (Mỹ) - tin rằng có sự tồn tại của một nguồn siêu sức mạnh bên trong những người bình thường. 

“Rõ ràng chúng ta sở hữu nguồn siêu sức mạnh trong cơ thể. Không phải bất cứ thế lực siêu nhiên nào tạo ra nguồn sức mạnh phi thường đó” - ông Robert Girandola nhấn mạnh.

Paul Zehr - Giáo sư về khoa học thần kinh và vận động học tại Đại học Victoria ở bang British Columbia (Canada) - chia sẻ: 

“Bạn không thể tạo ra những tình huống sinh tử trong phòng thí nghiệm khiến người ta tin rằng họ sẽ chết để đánh thức nguồn siêu sức mạnh bên trong họ. Tình huống đó phải xảy ra bất ngờ, ngẫu nhiên”.

Theo các nhà khoa học, đầu mối chính là con người. Rất đơn giản, chúng ta mạnh hơn chúng ta nghĩ. Các hoạt động của con người được kiểm soát, điều khiển bởi sự co bóp của cơ bắp thông qua các tín hiệu được truyền qua các dây thần kinh. 

Trong cuộc sống hằng ngày, cơ thể con người có xu hướng sử dụng ít nhất sức mạnh của cơ bắp và các đơn vị thần kinh để làm một việc nào đó.

Giáo sư Zehr giải thích, nhiều khi chúng ta cảm thấy sức mạnh cơ bắp đã đạt đến giới hạn, nhưng thực ra không phải vậy. 

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người trung bình chỉ sử dụng tối đa khoảng 60% số cơ, kể cả khi tập luyện hết sức. 

Thậm chí, các vận động viên ưu tú được huấn luyện để có khả năng khai thác cơ bắp hiệu quả nhất cũng chỉ sử dụng tối đa 80% sức mạnh sẵn có của họ.

Vì sao chúng ta không sử dụng hết sức mạnh?

Một câu hỏi đặt ra là tại sao con người lại dự trữ một phần tương đối lớn sức mạnh cơ bắp vốn có? Câu trả lời về cơ bản là vì an toàn.

“Não luôn cố gắng đảm bảo con người không bị đẩy đi quá xa đến mức nguy hiểm đến tính mạng. Nếu thực sự sử dụng toàn bộ sức mạnh cơ bắp, bạn có thể hoàn toàn kiệt sức và có thể chết” - Giáo sư Zehr chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Timothy Noakes - chuyên gia của Trung tâm Y tế thể thao và khoa học rèn luyện của Đại học Cape Town (Nam Phi), cơ thể con người bình thường hình thành cơ chế cảm thấy đau đớn trong khi cố gắng làm việc gì đó gắng sức. 

Cơ chế này ngăn cản chúng ta thực hiện những việc quá nặng như nâng một chiếc xe hơi trong tình huống bình thường.

Tuy nhiên theo ông Timothy, dù các cơ bắp của chúng ta được lập trình cơ chế “dừng lại” trước khi vượt qua ngưỡng giới hạn để đảm bảo an toàn thì trong một số trường hợp đặc biệt, chúng ta vẫn có khả năng sử dụng tối đa sức mạnh cơ bắp mà không bị chấn thương. 

Đó là khi rơi vào tình huống nguy hiểm sống còn.

“Nếu bạn đang ở trong tình huống rủi ro hoặc là sống hoặc là chết, bạn sẽ có khả năng liều mọi thứ” - Giáo sư Zehr nhấn mạnh.

“Chúng ta luôn kiểm soát để dự trữ sức mạnh cơ bắp, nhưng vẫn có ngoại lệ. Tôi nhận thấy nhiều người trong chiến tranh đã làm nên kỳ tích để tránh bị bắt và bị giết bằng cách chạy liên tục nhiều ngày mà không ăn uống” - ông Noakes chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại