Giải mã sa mạc "không lối thoát", có xác ướp mỹ nhân còn nguyên tóc sau gần 4.000 năm

Nguyễn Hằng |

Sa mạc bí ẩn này ẩn giấu một thế giới mà các nhà nghiên cứu chưa thể lý giải, bên trong có nhiều xác ướp hàng nghìn năm vẫn còn nguyên vẹn một cách kỳ lạ.

Đó chính là sa mạc Taklamakan, nơi được coi là một trong những sa mạc lớn nhất trên thế giới. Nằm tại Trung Á, ở nơi cư trú của dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc, Taklamakan là sa mạc bí ẩn nổi tiếng "không lối thoát" như mê cung, khiến các nhà nghiên cứu đau đầu giải mã trong nhiều thế kỷ qua.

Ngay từ thuở xa xưa, người ta đã tin rằng một khi bạn bước vào sa mạc này thì sẽ không có lối thoát để trở về. Đây hoàn toàn không phải là vùng đất chỉ toàn cát khô, đơn điệu. Trên thực tế, cách đây rất lâu, ở đây từng có nhiều ngôi nhà và đền thờ. Tuy nhiên, đáng tiếc là vào ngày nay, mọi thứ đều đã bị chôn vùi dưới lớp cát nóng bỏng.

Những nhà khảo cổ học cũng mới chỉ khám phá được một phần bí mật liên quan tới khu vực huyền bí này.

Sa mạc bí ẩn: "Vào dễ nhưng ra thì khó"

Taklamakan là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc, với diện tích bao phủ hơn 33.700 km2. Theo ngôn ngữ của tộc người Duy Ngô Nhĩ, Taklamakan có nghĩa là "vào đi nhưng không bao giờ trở ra được" và đó cũng là lý do sa mạc đáng sợ này còn được gọi là "biển chết".

Trên thực tế, dù ẩn chứa nhiều điều huyền bí, nhưng Taklamakan là sa mạc rất có ý nghĩa đối với những cư dân địa phương.

Giải mã sa mạc không lối thoát, có xác ướp mỹ nhân còn nguyên tóc sau gần 4.000 năm - Ảnh 1.

Taklamakan chính là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc và ẩn giấu nhiều bí ẩn khó lý giải.

Cụ thể, một truyền thuyết từ xa xưa kể lại rằng, một vị thần trông thấy những nỗi vất vả mà người dân ở khu vực này phải đối mặt và ông nghĩ rằng có thể cứu giúp họ bằng cách sử dụng hai bảo vật của mình. Đó là rìu vàng và chiếc khóa vàng.

Sau khi được vị thần này trao cho chiếc rìu vàng, tộc người Kazakh đã quyết định dùng nó để xẻ đôi dãy núi Altai nhằm dẫn nước từ trên núi về những cánh đồng.

Trong khi đó, vị thần cũng định trao lại chiếc chìa khóa bằng vàng cho tộc người Duy Ngô Nhĩ để cho họ có thể mở được cánh cửa kho báu tại vùng lòng chảo Tarim. Thế nhưng, thật không may là con gái út của vị thần đã vô tình làm mất chiếc chìa khóa. Điều này đã khiến vị thần nổi giận, giam cô con gái út ở vùng lòng chảo Tarim và kể từ đó sa mạc Taklamakan được hình thành.

Trên thực tế, dần dà các nhà sử học đều nhận thấy rằng sa mạc Taklamakan đóng một vai trò quan trọng đối với các hoạt động giao thương, buôn bán.

Để có thể vượt qua sa mạc rộng lớn này, các thương nhân thời xa xưa đã di chuyển dọc theo hai con đường và điểm đáng chú ý là có những ốc đảo dọc trên đường đi đóng một vai trò là các điểm giao dịch quan trọng trên Con đường Tơ lụa.

Trong số tất cả những hàng hóa quý giá từng được vận chuyện qua khu vực này, lụa có lẽ là một thứ đáng chú ý nhất đối với người phương Tây.

Trong một cuộc phỏng vấn với People Daily, Zhang Yuzhong, cựu phó giám đốc của Viện nghiên cứu Khảo cổ học Tân Cương, chia sẻ: "Trước đây, những chuyên gia tại Trung Quốc và quốc tế đều tin rằng không có dấu vết của con người trên sa mạc Taklamakan".

Thế nhưng, vào năm 1896, Sven Hedin, một nhà thám hiểm người Thụy Điển đã thực hiện một khám phá đáng kinh ngạc tại thị trấn Dandan Oilik, khu vực trung tâm của sa mạc Takklamakan.

Cụ thể, ông Sven Hedin đã tìm thấy nhiều tàn dư của các ngôi nhà. Chưa hết, Aurel Stein, một nhà thám hiểm được biết đến là người tiên phong khám phá về Con đường Tơ lụa, đã bất ngờ phát hiện thấy có hài cốt người tại 18 ngôi nhà và tìm ra một vài ngôi đền tại đó. Ông cũng phát hiện ra không ít tài liệu có niên đại từ triều nhà Hán và nhà Đường.

Dấu tích của vương quốc Lâu Lan và những xác ướp nghìn năm vẫn còn nguyên vẹn

Vào năm 1900, khi quay trở lại thăm Taklamakan, nhà thám hiểm Hedin đã tìm thấy tàn tích của thành phố cổ Lâu Lan bị chôn vùi dưới lớp cát nóng bỏng.

Thành cổ này chính là kinh đô của vương quốc Lâu Lan huyền bí tại sa mạc Taklamakan, và có từ trước khi thị trấn Dandan Oilik được hình thành. Thành cổ Lâu Lan và thị trấn Dandan Oilik được coi là những phát hiện khảo cổ học quan trọng của vùng này.

Sau đó, vào năm 1910, tức là 10 năm sau khi phát hiện thành cổ Lâu Lan, một thợ săn địa phương đã tìm thấy ngôi mộ cổ nằm ở gần một con suối, cách khu vực phế tích này khoảng 175km. Người xa xưa đã dùng hơn 100 cột gỗ dựng đứng để xây dựng cổ mộ này trong một đụn cát. Ngôi mộ được coi là một trong những bí ẩn hấp dẫn nhất về vùng đất này thời cổ đại.

Giải mã sa mạc không lối thoát, có xác ướp mỹ nhân còn nguyên tóc sau gần 4.000 năm - Ảnh 2.

Xác ướp người phụ nữ được mệnh danh là "người đẹp Lâu Lan" và hình ảnh sau khi được phục dựng.

Đặc biệt, nửa thế kỷ sau, vào năm 1979, người ta còn tìm thấy một xác ướp nữ ở thành cổ Lâu Lan. Mặc dù có niên đại gần 4.000 năm nhưng xác ướp này vẫn còn rất nguyên vẹn và được gọi là "Người đẹp Lâu Lan".

Giải mã sa mạc không lối thoát, có xác ướp mỹ nhân còn nguyên tóc sau gần 4.000 năm - Ảnh 3.

Xác ướp khoảng 4.000 năm tuổi còn nguyên tóc, làn da mịn và nhiều đường nét thanh tú trên gương mặt "lai tây" khiến nhiều nhà khảo cổ ngạc nhiên.

Vào năm 2003, các nhà khảo cổ ngạc nhiên khi tìm ra một xác ướp phụ nữ có niên đại khoảng 4.000 năm tuổi. Xác ướp này hoàn hảo tới mức vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn được mái tóc hung cho đến nhiều đường nét tuyệt đẹp trên khuôn mặt, trong đó có hàng lông mi dày, làn da mịn, mũi cao và đôi môi mỉm cười.

Vẻ đẹp của "mỹ nhân" cổ đại này lại một lần nữa khiến giới khảo cổ ngạc nhiên, đặc biệt là sau 24 năm kể từ khi tìm thấy "người đẹp Lâu Lan".

Ngoài ra còn có nhiều xác ướp "lai tây" kỳ lạ được bảo quản hoàn hảo có niên đại ước tính ít nhất 3.000 năm tuổi cũng được tìm thấy ở bên dưới lớp cát của sa mạc Taklamakan. Những phát hiện khảo cổ ấn tượng cùng nhiều câu chuyện huyền bí về sa mạc Taklamakan, nơi mệnh danh là sa mạc "không lối thoát" vẫn còn là một ẩn số thách thức các nhà nghiên cứu trong nhiều năm qua.

Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientorigins, Ancientpages

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại