Giải mã "nỗi đau" 50% lươn chết khi về trang trại mới, triệu phú nuôi lươn Sài Gòn hút khách xếp hàng mua con giống

Đỗ Lan |

Rất nhiều khách đến cơ sở nuôi lươn của anh Đoàn Kim Sơn ở Hóc Môn phải ngậm ngùi quay trở về vì quên mang mẫu nước…. Phải mang mẫu nước đi, anh Sơn mới đo được độ PH và từ đó tập huấn cho lươn phù hợp với môi trường ở trang trại tương lai.

Không mang mẫu nước, khách phải quay về

Sở hữu trại trang rộng ở Hóc Môn với 3.600 m2, 90 chuồng nuôi lươn, mỗi năm, anh Đoàn Kim Sơn bán khoảng 30 tấn đến 40 tấn lươn. Cơ sở của anh cũng truyền cho nông hộ cách nuôi lươn hiệu quả và bao tiêu đầu ra.

Giải mã nỗi đau 50% lươn chết khi về trang trại mới, triệu phú nuôi lươn Sài Gòn hút khách xếp hàng mua con giống - Ảnh 1.

Riêng lươn thương phẩm, nhờ bao tiêu cho bà con và xây dựng được hệ thống khách hàng trung thành, mỗi năm anh Sơn có thể kiếm được 500 triệu đồng và tạo sự yên tâm về đầu ra cho bà con.

Với lươn giống, mỗi tháng anh thu được lời khoảng 30 triệu đồng nhờ bán khoảng 30 tấn con giống.

Nhiều năm “chinh chiến” trong nghề nuôi lươn, anh Đoàn Kim Sơn được nhiều người biết đến trong nghề nuôi lươn ở Sài Gòn. Hàng ngày, rất nhiều người tìm đến cơ sở của anh để mua con giống. Có những người phải quay về vì không mang mẫu nước. Với cơ sở của anh Sơn, điều tiên quyết là phải mang mẫu nước đến để anh thử độ PH.

Giải mã nỗi đau 50% lươn chết khi về trang trại mới, triệu phú nuôi lươn Sài Gòn hút khách xếp hàng mua con giống - Ảnh 2.

Câu chuyện thử độ PH, rồi huấn luyện con lươn thích nghi với môi trường mà chúng sắp phải chuyển qua là câu chuyện từng đầy thách thức với anh. Sau đó, anh đã biến khó khăn ấy thành bí quyết thành công trong mô hình nuôi lươn.

Giải mã nỗi đau 50% lươn chết khi về trang trại mới, triệu phú nuôi lươn Sài Gòn hút khách xếp hàng mua con giống - Ảnh 3.

Lươn từng chết hàng loạt và câu chuyện chịu chi trăm triệu để tìm ra nguyên nhân

Đó là giai đoạn năm 2005, anh bắt đầu cung cấp giống lươn không bùn. Nhưng anh cứ bán 100 kg lươn giống thì sau khi về trang trại mới, 50% số con giống chết đi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của anh vì nông dân bị thua lỗ.

Trăn trở rất nhiều, cách đây gần chục năm, anh quyết định phải tìm cho ra nguyên nhân. “Tôi mong muốn đã giao con giống cho nông dân là con lươn phải sống. Tôi quyết tâm đi tìm lý do vì sao lươn chết”, anh Sơn chia sẻ.

Rõ ràng, khi ở trang trại của anh, lươn rất khỏe mạnh. Nhưng về tay nông hộ khác thì lại chết hàng loạt. Như vậy, anh cho rằng con giống chết không phụ thuộc vào chất lượng của chúng.

Tìm hiểu trên mạng, anh phát hiện ra rằng con lươn dễ bị sốc nước. Nếu độ PH không phù hợp, lươn sẽ bị sốc và chết. Và anh nghĩ tới việc bắt con giống phải phù hợp với độ PH ở môi trường mới.

Anh bỏ ra 300 triệu tiền mua lươn giống và thử nghiệm, nghiên cứu về độ PH cho lươn. Kết quả, số lươn trên chết hết. Nhưng cái anh có được là câu trả lời vì sao lươn chết.

Anh chi thêm 100 triệu đồng nữa để rõ hơn về những thử nghiệm của mình. Lúc đó anh nghĩ, nếu mất thêm 100 triệu nữa anh có thể kiếm thêm từ nuôi các con vật khác. Nhưng nếu lươn tiếp tục chết, có nghĩa là việc bán lươn giống của anh sẽ chấm dứt.

Cuối cùng, câu trả lời rất rõ ràng. Anh đã biết cách huấn luyện để con lươn thích nghi với độ PH mới. Ví dụ, ở trang trại của anh độ PH là 6,2 nhưng ở những nơi khác có thể là 7.6. Anh sẽ thả lươn vào độ PH tăng dần lên 6,4, tiếp đó là 6,8… và tăng dần lên hàng ngày để con giống thích nghi với trang trại mới. Đó là lý do vì sao khách đến mua lươn giống ở trang trại của anh đều phải mang nước đến thử độ PH.

Việc điều chỉnh con giống phù hợp với độ PH của khách hàng khiến anh mất từ 5 đến 15 ngày nhưng bù lại, con giống khi về với chủ mới sẽ khỏe mạnh và phát triển. Đó chính là bí quyết thành công của anh Sơn đến nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại