Giải mã những kiêng kỵ ngày đầu năm, lý do tại sao nhiều nhà trữ đầy nước trước giao thừa

LOU |

Dẫu biết mọi thứ diễn ra đều có nguyên nhân của nó và đa phần xuất phát từ chính mỗi cá nhân. Tuy nhiên, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", những kiêng kỵ ngày đầu năm vẫn cứ được truyền nối như một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ nhiều đời nay.

Tết cổ truyền Việt Nam từ nhiều đời nay vẫn luôn là tín ngưỡng được truyền nối và giữ gìn như một nét văn hóa độc đáo, đậm tính nhân văn của dân tộc. 

Tết không những là dịp để người Việt đón chào một năm mới với nhiều khỏi đầu mới, may mắn, an bình và hạnh phúc mà còn là cơ hội để những người con xa quê về đoàn tụ bên gia đình, ôn lại những câu chuyện buồn vui trong suốt một năm dài đằng đẵng. Không khí Tết cũng vì thế mà luôn rộn ràng tiếng cười, đậm tình yêu thương và ngập tràn hạnh phúc.

Giải mã những kiêng kỵ ngày đầu năm, lý do tại sao nhiều nhà trữ đầy nước trước giao thừa - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Nhiều năm nay, thuận theo nhịp sống hiện đại với đà phát triển chóng mặt của xã hội cộng thêm sự đón nhận và giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, cái Tết truyền thống của dân tộc ta không còn giữ được toàn vẹn những nét độc đáo như cách cha ông ngày trước đã từng. 

Tuy nhiên, về cơ bản, những đặc trưng như thịt mỡ, dưa hành, câu đối, cây nêu, tràng pháo vẫn là thứ không thể thiếu, làm nên hương sắc ngày xuân. Bên cạnh đó, tuy đã có nhiều thay đổi về quan niệm, những kiêng kỵ vào ngày đầu năm vẫn luôn được người Việt chú ý và phòng tránh để đón một năm mới nhiều may mắn, hanh thông, thuận lợi.

Có tang, không hợp tuổi tránh đi xông đất

Xông đất hay còn gọi là đạp đất, xông nhà là tục lệ đã có từ lâu đời trong những ngày đầu năm của người Việt. Nhiều người quan niệm rằng ngày mồng Một là ngày bắt đầu cho một năm mới, nên những người hợp tuổi xông nhà thì cả năm sẽ gặp may mắn, suôn sẻ. 

Do đó, những người "nặng vía", không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông đất ngày đầu năm. Trong văn hoá người Việt, tang tóc cũng là việc không may mắn nên người đang chịu tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

Không quét nhà, đổ rác ngày mồng Một

Những ngày cuối năm, người Việt khắp nơi đều quét dọn, trang hoàng lại nhà cửa để mong một năm mới gọn ghẽ, nhiều may mắn, hanh thông. Rồi đến ngày đầu năm, các gia đình sẽ kiên quét nhà và đổ rác bởi trong quan niệm, hành động này giống như việc quét và đổ đi hết tất cả tài lộc của gia đình trong năm mới.

Giải mã những kiêng kỵ ngày đầu năm, lý do tại sao nhiều nhà trữ đầy nước trước giao thừa - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Phong tục này xuất phát từ câu chuyện của người Trung Quốc. Truyện kể rằng, ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. 

Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó.

Không cho lửa, nước ngày đầu năm

Lửa có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, đồng thời hơi ấm của lửa cũng mang lại sự ấm áp, nếu cho lửa đi trong ngày đầu năm nghĩa là cho đi vận may của bản thân và sẽ dễ gặp xui xẻo trong cả năm đó. Nên những ngày đầu năm, trong tín ngưỡng của người Việt, họ hạn chế tối đa việc xin lửa và cho lửa.

Cũng giống như lửa, nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi "tiền vô như nước", và được ví như nguồn tài lộc của gia đình. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, mát lành. Cho nên, trước ngày đầu năm mới, nhà nào cũng lo đổ nước đầy bể, dự trữ nước đủ cho sinh hoạt trong những ngày Tết. Cho lửa, nước đầu năm có nghĩa là cho đi may mắn của gia đình.

Không vay mượn, trả nợ ngày đầu năm

Đối với đa phần người Việt, chuyện vay mượn thường được giải quyết một cách trọn vẹn vào dịp cuối năm. Những thứ cũ kỹ còn bị nợ lại được trả hết, phần vì ai cũng cần có một khoản lớn để chuẩn bị và chi tiêu cho dịp năm mới. 

Hơn nữa, theo quan niệm của người xưa, những ngày đầu năm là dịp để mở cửa đón tài lộc, may mắn. Nếu đi vay tiền, đồng nghĩa với việc cả năm sẽ luôn trong tình trạng túng thiếu và tiếp tục đi vay mượn. Còn nếu cho vay dịp đầu năm cũng có nghĩa là mang tài lộc mà bản thân mình đang có đi phân phát khắp nơi.

Không nói điều xui xẻo, gây tranh cãi, bất hòa

Ngày đầu năm là dịp để đón những khỏi đầu mới nên nhiều người tin rằng những lời nói trong ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng đến cả một năm sau đó. Bởi vậy, mọi người nên nói những lời tốt đẹp để gặp được nhiều may mắn. Tránh những câu nói xui xẻo như "chết rồi", "hỏng thật"... sẽ khiến vận xui đeo bám cả năm.

Giải mã những kiêng kỵ ngày đầu năm, lý do tại sao nhiều nhà trữ đầy nước trước giao thừa - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, trong những giao tiếp thường nhật, mọi người thường cố gắng giữ hòa khí dù sự việc có khó chịu đến mức nào đi chăng nữa. Người lớn tránh trách mắng trẻ con, mọi người nhường nhịn nhau để một năm luôn vui vẻ, hạnh phúc, êm ấm.

Trách đổ vỡ và dùng những đồ vật không may mắn

Vào ngày đầu năm, người Việt đặc biệt cẩn thận trong việc sử dụng đồ đạc, đặc biệt là các vật dụng bằng thủy tinh, sứ dễ vỡ. Văn hóa dân gian truyền thống lâu nay luôn quan niệm việc làm rơi vỡ đồ vào năm mới không những không đem lại may mắn, mà còn tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình.

Việc may vá trong năm mới được dân gian quan niệm sẽ khiến gia chủ gặp khó khăn, vất vả. Thậm chí có quan niệm, nếu phụ nữ có thai dùng kim chỉ trong ngày mồng Một Tết sẽ sinh con có mắt dẹt như cây kim. 

Dao kéo là những vật mang sát khí, cũng nên được hạn chế sử dụng trong những ngày đầu năm. Đặc biệt, vào ngày mồng Một nên tránh dùng các vật có đầu sắc nhọn như dao, kéo bởi những vật này có thể cắt đứt lương duyên cũng như tài vận, tuổi thọ của gia chủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại