Giải mã NFT, cơn sốt khiến một dòng tweet có thể được mua với giá gần 3 triệu USD

Băng Băng |

Tính hợp pháp của NFT vẫn còn là câu hỏi khi chúng dựa vào blockchain của các đồng tiền số.

Mới đây, họa sĩ nhí Xeo Chu đã bán đầu giá thành công bức tranh NFT đầu tiên của mình trên nền tàng Binance với giá 22.899 USD. Trên thực tế, không riêng gì mảng hội họa, nhiều nghệ sĩ cũng đã tham gia NFT nhằm kiếm một khoản thu nhập đáng kể trong mùa đại dịch.

Giải mã NFT, cơn sốt khiến một dòng tweet có thể được mua với giá gần 3 triệu USD - Ảnh 1.

Trước đó, hôm 22/3, dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey đã được Sina Estavi - CEO Bridge Oracle mua lại với giá 1.630,58 Ether (tương đương 2,9 triệu USD), đánh dấu thời điểm tròn 15 năm kể từ khi ông lần đầu đăng bài trên Twitter. Đáng chú ý, Jack Dorsey rao bán dòng tweet dưới dạng NFT trên khu chợ số Valuables.

Tuy nhiên, tính hợp pháp của thị trường này vẫn là câu hỏi khi chúng buộc phải giao dịch bằng tiền số.

NFT là gì?

NFT là viết tắt của Non-Fungible Token. Trong đó "Fungible" dùng để ám chỉ khả năng chia đến hàng đơn vị lẻ trong tiền tệ, có thể thay thế và không phân biệt được cho nhau.

Ví dụ một tờ 100.000 VND có thể chia lẻ thành 2 tờ 50.000 VND hoặc 5 tờ 20.000 VND. Những đồng 50.000 VND hay 20.000 VND này chẳng có gì khác nhau cả, chúng chỉ là đơn vị tiền tệ.

Giải mã NFT, cơn sốt khiến một dòng tweet có thể được mua với giá gần 3 triệu USD - Ảnh 2.

Trái ngược lại, "Non Fungible" là một đơn vị tài sản khác với những đơn vị khác và không thể thay thế cho nhau. Bởi vậy NFT về ý nghĩa ám chỉ những đồng tiền số không thể thay thế, là duy nhất trên thị trường.

Về kỹ thuật, NFT là một chứng chỉ kỹ thuật số không thể sao chép được lưu giữ trong hệ thống blockchain, đại diện cho quyền sở hữu một hàng hóa điện tử nào đó.

Trong khi những đồng tiền số như Bitcoin hay Ethereum có thể bị chia nhỏ để giao dịch thì các NFT được lưu giữ như một tài sản nguyên vẹn không thể phân chia.

Ngoài ra, do tính chất của công nghệ blockchain nên quyền sở hữu NFT không thể làm giả và luôn đảm bảo chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm. Trong trường hợp bức tranh của Xeo Chu, người mua bức tranh điện tử dưới dạng NFT sẽ được xác nhận là chủ nhân duy nhất của tấm hình.

Điều này hoàn toàn khác với việc người dùng mua vật phẩm trong game hay mua nhạc từ iTunes. Trên thực tế khi công ty đóng cửa, người chơi game sẽ mất vật phẩm còn trong trường hợp iTunes, người nghe nhạc chỉ mua quyền thưởng thức bản nhạc mà không sở hữu chúng.

Nghe có vẻ kỳ nhưng việc được sở hữu thứ độc nhất bằng NFT khiến nhiều người chấp nhận bỏ tiền vào thị trường này. Nó cũng tương tự như việc sưu tầm những thứ đồ độc, lạ, hiếm nhưng chỉ khác là bằng công nghệ số.

Những tác phẩm nghệ thuật số được mua bán dưới dạng NFT sẽ luôn là bản gốc, không bao giờ có bản thứ 2. Nhờ lưu giữ trên blockchain mà ai cũng có thể truy ngược lại người tạo ra tác phẩm mà không cần chứng nhận của chuyên gia.

Giải mã NFT, cơn sốt khiến một dòng tweet có thể được mua với giá gần 3 triệu USD - Ảnh 3.

Trò CryptoKitties

Dẫu vậy, nền tảng pháp lý của hoạt động này vẫn bị nghi ngờ bởi NFT buộc phải giao dịch trên các nền tảng blockchain của tiền số. Hiện nay, phần lớn các NFT được mua bán trên blockchain của đồng Ethereum.

Bùng nổ nhờ... trò chơi

Trên thực tế ý tưởng về NFT không hề mới trong giới tiền số. Từ năm 2012, Yoni Assia đã công bố đồng Colored Coin trên hệ thống blockchain của Bitcoin nhằm chứng nhận quyền sở hữu của các tài sản số nhưng cuối cùng thất bại vì chẳng ai quan tâm.

Phải mãi đến năm 2017, game nuôi mèo ảo CryptoKitties chạy trên blockchain Ethereum cho phép người chơi giao dịch mèo ảo bằng đồng tiền số này ra đời thì NFT mới trở nên phổ biến. Mỗi vật phẩm và chú mèo ảo trên game này đều là 1 NFT.

Ngoài ra, cơn sốt tiền ảo cũng thúc đẩy người chơi chú ý đến NFT nhiều hơn khi hàng loạt nghệ sĩ và người nổi tiếng đổ xô vào đây. Từ Elon Musk cho đến CEO Jack Dorsey của Twitter đều có những lời ca ngợi về NFT, khiến cho thị trường này trở nên vô cùng sôi động.

Vậy NFT có thể dùng làm gì và liệu chúng có an toàn, hợp pháp hay không?

Tác dụng và rủi ro

Về lý thuyết, NFT có thể dùng để phát hành các tác phẩm nghệ thuật số dưới dạng độc nhất để bán cho các nhà sưu tầm. Chúng cũng có thể dùng để làm giao dịch vật phẩm trong game.

Trang CoinDesk đã từng đưa tin một game thủ bán lô đất trong trò chơi Decentraland với giá 80.000 USD dưới dạng NFT hay một nhà đầu tư mua một đoạn đường đua trong game F1 Delta Time. Nhà đầu tư này sẽ nhận được cổ tức 5% từ mọi cuộc đua diễn ra trên đoạn đường này.

Với các nghệ sĩ, việc bán tác phẩm dưới dạng NFT sẽ không cần qua bước trung gian như sàn đấu giá hay phòng trưng bày, qua đó giúp họ giữ lại được lợi nhuận cũng như thuận tiện mua bán hơn trong mùa dịch.

Giải mã NFT, cơn sốt khiến một dòng tweet có thể được mua với giá gần 3 triệu USD - Ảnh 4.

Tác phẩm NFT của Xeo Chu

Tuy vậy tính hợp pháp của NFT lại khiến nhiều người băn khoăn bởi chúng phải giao dịch trên hệ thống blockchain của tiền số, vốn bị hàng loạt chính phủ cấm sử dụng.

Bên cạnh đó, việc không qua bên kiểm định thứ 3 khiến mọi người có thể thoải mái tạo NFT từ bất cứ thứ gì, tạo nên vô số những vật phẩm vô giá trị trên mạng. Sự khan hiếm không phải yếu tố duy nhất giúp một NFT tăng mà còn nằm ở giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa mà tác phẩm đem lại.

Do đó, những người đầu cơ mù quáng bỏ tiền vào NFT có thể chịu thiệt khi thị trường xì hơi hạ nhiệt.

Một yếu tố nữa là do dùng blockchain tiền số nên người giao dịch có thể dùng tên giả, qua đó thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận giao dịch mà không chuyển vật phẩm như cam kết. Thậm chí, NFT cũng có thể trở thành công cụ rửa tiền cho các xã hội đen do không có sự ràng buộc về vị trí địa lý hay cơ quan quản lý.

Trong năm 2020, nhiều vật phẩm NFT đã bị thổi giá đến 2.000% và các chuyên gia đánh giá người mua nên vô cùng cẩn trọng khi muốn tham gia thị trường này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

NTF

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại