Vào những năm 1980, quân đội Mỹ đã chi ra hàng triệu USD để phát triển một mẫu robot vận chuyển có hình dạng không khác gì một con côn trùng. Thay vì dùng bánh hơi như xe thiết giáp hay bánh xích như xe tăng, mẫu robot này lại sử dụng chân để di chuyển.
Vào thời điểm đó, thiết kế này được cho là lấy cảm hứng từ những "con quái vật" AT-AT trong loạt phim khoa học viễn tưởng Star Wars, vốn ra mắt vào năm 1981. Với 6 chân cơ khí được bố trí ở 2 cạnh bên, quân đội Mỹ hy vọng mẫu robot này có thể dễ dàng vượt qua mọi loại địa hình gồ ghề ngoài chiến trường.
Có tên gọi là Adaptive Suspension Vehicle (ASV), phương tiện vận chuyển kỳ lạ này là một phần trong dự dự án kéo dài một thập kỷ của quân Đội Mỹ, bắt đầu từ năm 1981 trước khi bị dừng vĩnh viễn vào năm 1990. Việc nghiên cứu và phát triển ASV được Đại học bang Ohio đảm trách.
Trong từng đấy năm, dự án này đã nhận được khoản đầu tư 1 triệu USD / năm từ Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA).
Phương tiện chiến đấu kỳ lạ (trong ảnh) là một phần của dự án kéo dài 10 năm của quân đội Mỹ, trước khi bị loại bỏ vào năm 1990.
Giáo sư Robert McGhee và Kenneth Waldron tại Đại học Bang Ohio – một trong những người trong nhóm phát triển - đã viết một bài báo khoa học giải thích về tính khả thi dự án của mình vào năm 1986:
"Phương tiện sử dụng chân để di chuyển, thay vì sử dụng bánh hơi hoặc bánh xích, nhằm chứng minh tính khả thi của loại vũ khí này khi phải di chuyển trên các điều kiện địa hình rất gồ ghề"
"Phương tiện hiện đang được thử nghiệm, với việc cài đặt và xác nhận các mô-đun phần mềm cho các điều kiện hoạt động khác nhau, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 1986.'
Được biết, cỗ máy chiến đấu cực kỳ độc đáo này nặng gần 3 tấn, dài 5,1m, rộng 2,4m và cao 3m. Nhờ sở hữu kích thước khổng lồ, nó có thể dễ dàng vượt qua hàng rào thép gai và tường, hoặc băng qua các chiến hào rộng tới 7m nhờ các chân cơ khí.
Phương tiện chiến đấu ASV được cho là lấy cảm ứng từ AT-AT trong loạt phim Star Wars, vốn sử dụng chân để di chuyển trên chiến trường.
Tuy nhiên, việc ASV chỉ có thể hoạt động với trọng tải cực thấp (chỉ 219kg) là một trong những lý do khiến phương tiện chiến đấu này không được phê duyệt để trang bị cho lực lượng thiết giáp của Mỹ. Khâu hậu cần để bảo trì, vận hành ASV cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Chỉ riêng việc nạp năng lượng để ASV hoạt động cũng rất khó khăn để thực hiện.
Chưa kể đến, bản thân thiết kế đặc biệt của ASV cũng rất có rất nhiều vấn đề. Để có thể điều khiển trơn tru 6 chân cơ khí, các kỹ sư trình làng một hệ thống dẫn động cực kỳ phức tạp, bao gồm bơm thủy lực, bánh đà nặng 453kg và động cơ 900cc.
Động cơ có công suất 91 mã lực nhưng chỉ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho bánh đà, vốn đảm nhiệm việc dẫn động cho tổng cộng 18 xi lanh thủy lực. Quá trình này khá phức tạp, đòi hỏi động cơ phải cung cấp năng lượng cho ba trục truyền động riêng biệt. Sau đó, chúng tiếp tục chuyển điện đến mỗi chân cơ khí, vốn tích hợp ba bơm thủy lực .
Cỗ máy chiến đấu cực kỳ độc đáo này nặng gần 3 tấn, dài 5,1m, rộng 2,4m và cao 3m.
Khi bánh đà quay ở tốc độ 12.000 vòng / phút, nó có thể cung cấp công suất 250 watt, ít hơn một mã lực, trong tổng thời gian một giờ. Người điều khiển xe có thể sử dụng nhiều năng lượng hơn trong quá trình điều khiển, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, đối với những thao tác di chuyển phức tạp, mức năng lượng ASV tiêu tốn vượt xa mức năng lượng có thể tạo ra.
Cùng với các thành phần cơ khí, ASV cũng tích hợp tới 17 máy tính chỉ để giúp người điều khiển di chuyển được phương tiện chiến đấu "độc dị" này. Cụ thể, 6 máy tính sẽ đảm trách việc điều khiển 6 chân của ASV. Trong khi đó, 11 máy tính còn lại sẽ hỗ trợ người lái vận hành được cỗ máy khổng lồ này. Để giúp ASV có thể đặt chân chính xác khi di chuyển, nhóm nghiên cứu đã tích hợp thêm 1 camera độ phân giải 128x128 pixel, kèm theo đó là màn hình hiển thị đặt trong khoang lái.
Thiết kế có nhiều vấn đề của ASV khiến phương tiện chiến đấu này không được quân đội Mỹ sử dụng.
Được biết thêm, các kĩ sư tại Đại học Bang Ohio từng có ý định phát triển các phiên bản không người lái cho ASV. Tuy nhiên, dự án đã bị đình trệ trước khi điều này có thể thực hiện được.
"Với cấu hình hiện tại, ASV không phải là một mẫu robot tự động", nhóm nghiên cứu cho biết vào năm 1986. "Phượng tiện này vẫn cần một người lái, vốn đảm nhiệm các công việc như vận hành, di chuyển, điều chỉnh hướng".
Đáng chú ý, số phận của phương tiện chiến đấu ASV là một bí ẩn, khi không ai biết liệu nó đang được cất giữ ở đâu đó hay đã bị loại bỏ từ nhiều thập kỷ trước.
Đoạn phim hiếm hoi quay lại quá trình thử nghiệm của ASV vào năm 1984
Tham khảo DailyMail