Từ cây cầu du lịch nổi tiếng...
Cầu Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là một trong những cây cầu dây văng dài và đẹp nhất Việt Nam. Cùng với các cây cầu nổi tiếng khác bắc ngang sông Hàn, sự hiện diện của cầu Thuận Phước đã góp phần kết nối giao thông và giúp Đà Nẵng xứng đáng với danh hiệu "Thành phố của những cây cầu".
Công trình ấn tượng này được thiết kế theo mô hình cầu treo dây võng có chiều dài 1.856m, rộng 18m (có 4 làn xe và 2 lối đi bộ); có 3 nhịp dây võng thép dài 655m và khẩu độ nhịp dây võng dài 405m nối 2 tháp cao 92m… Nhìn từ trung tâm Đà Nẵng, cầu Thuận Phước như một dải lụa mềm mại vắt ngang qua cửa sông Hàn, nơi giao thoa với vịnh Đà Nẵng.
Cầu Thuận Phước là một trong những biểu tượng của Đà Nẵng, thu hút đông đảo khách du lịch
Cây cầu độc đáo này vốn là biểu tượng du lịch của thành phố biển xinh đẹp, đồng thời cũng là địa điểm thưởng cảnh, check-in yêu thích của nhiều người dân và du khách thập phương mỗi khi có dịp đến Đà Nẵng.
Tuy nhiên, giờ đây khi nói đến cây cầu dây văng nổi tiếng này, người ta sẽ nhắc đến nhiều hơn về sự chết chóc, đau thương… Bởi, từ khi khánh thành đưa vào sử dụng năm 2009 đến nay, tại đây liên tục xảy ra các vụ tự tử. Thậm chí có những thời điểm, các vụ nhảy cầu diễn ra dồn dập.
Đến bây giờ, không thể thống kê hết được có bao nhiêu người đã tự tử tại cầu Thuận Phước. Nhưng chỉ riêng trong tháng 2/2022, có thời điểm chỉ cách nhau 3 ngày, đã liên tiếp có 2 người chọn cây cầu này để kết thúc cuộc đời, khiến người thân phải đội mưa nắng lập bàn thờ vọng trông ngóng tìm thi thể (vào các ngày 2 và 5/2/2022).
Thỉnh thoảng, người đi đường lại gặp cảnh người thân lập bàn thờ vọng trên cầu Thuận Phước để chờ tìm thi thể nạn nhân tự tử
Liên tiếp những vụ tự tử xảy ra trên cầu Thuận Phước khiến người dân ám ảnh
Mới đây nhất, chỉ trong vòng 5 ngày đầu tháng 3/2022, trên cầu Thuận Phước cũng đã ghi nhận ít nhất 5 vụ tự tử. Trong đó, 1 cụ già và 1 phụ nữ được người đi đường và công an ngăn cản kịp thời, còn 3 nạn nhân (2 nam, 1 nữ) phải bỏ mạng dưới dòng Hàn giang lạnh lẽo.
Cụ thể, trước đó, dù đã được gia đình và lực lượng chức năng nỗ lực thuyết phục, trấn an suốt hơn 15 giờ đồng hồ ngồi vắt vẻo trên lan can cầu Thuận Phước chờ tự tử (từ khoảng 9 giờ ngày 7/3 đến 0 giờ ngày 8/3), anh O.V.T. (42 tuổi, ngụ phường Thuận Phước) đã trở về nhà, nhưng sau đó vẫn quay lại cây cầu này để tự kết liễu đời mình.
Lực lượng chức năng túc trực sẵn sàng ứng cứu người đàn ông 15 giờ ngồi vắt vẻo trên lan can cầu Thuận Phước vào ngày 7/3
Sau 15 giờ được lực lượng chức năng nỗ lực thuyết phục, khuyên can thì anh T đã chịu về nhà; nhưng sáng hôm sau vẫn quay lại cầu Thuận Phước để kết liễu cuộc đời
Và liên tiếp sau đó, vào sáng 10/3 và tối 11/3, Công an phường Thuận Phước tiếp tục nhận tin báo có người định tự tử trên cầu. Cụ thể, khoảng 11 giờ trưa 10/3, người đi đường phát hiện 1 cụ ông 86 tuổi, thân hình ốm yếu đi xe đạp lên cầu Thuận Phước rồi dừng xe lại, đi đến bên thành cầu nhón chân chuẩn bị trèo qua lan can cầu. Nhận tin báo, Cảnh sát đã nhanh chóng có mặt để khuyên ngăn và đưa cụ về nhà. Cụ cho biết, do tuổi già, đau ốm, bệnh tật, không muốn làm phiền con cháu nên đã nghĩ quẩn.
Rồi khoảng 21 giờ tối 11/3, do buồn chuyện gia đình nên 1 phụ nữ 30 tuổi lên cầu Thuận Phước để quyên sinh. Rất may, lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiếp cận và thuyết phục thành công nạn nhân bỏ ý định dại dột.
Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau đó, lực lượng chức năng lại tiếp tục phát hiện cùng lúc 2 thi thể tử vong dưới mố cầu Thuận Phước. Theo đó, khoảng 13 giờ chiều 12/3, người dân phát hiện người phụ nữ 47 tuổi tuổi (quê Thừa Thiên Huế) điều khiển xe máy lên cầu Thuận Phước rồi bất ngờ treo qua lan can cầu gieo mình xuống sông tự tử. Do sự việc diễn ra quá nhanh nên người đi đường không thể can ngăn.
Lực lượng chức năng phát hiện cùng lúc 2 thi thể gồm 1 thanh niên và 1 người phụ nữ dưới mố cầu Thuận Phước trong ngày 12/3
Khi lực lượng chức năng đang triển khai tìm kiếm xác người phụ nữ này thì lại tá hỏa phát hiện thêm 1 thi thể nam thanh niên 19 tuổi tại khu vực mố cầu này. Qua khám nghiệm phát hiện trên người nạn nhân có nhiều giấy tờ cầm cố tài sản, nghi khả năng người này đã tự tử vào đêm trước đó.
... đến nỗi hàm oan "cầu tử thần"
Trước tình trạng các vụ tự tử diễn ra ngày một nhiều, cây cầu Thuận Phước vẫn đang ngày đêm chịu nỗi hàm oan bởi các thảm kịch đau lòng; còn dân gian lại càng có thêm những lời đồn thổi kỳ bí nửa thực, nửa hư về cây cầu "thần chết" này.
Khi nghe chúng tôi đề cập đến những chuyện đồn thổi về cầu Thuận Phước, ngư dân Lê Tư (65 tuổi, ngụ phường Thuận Phước) chia sẻ, đúng là có không ít chuyện hoang đường, hư cấu về cây cầu này. Nhưng ông khẳng định điều đó hoàn toàn không có cơ sở.
Theo ông Tư, sở dĩ cầu Thuận Phước phải oằn mình làm "nhân chứng" bất đắc dĩ cho nhiều vụ tự tử ở Đà Nẵng là do cách trung tâm thành phố hơn 2 km nên nơi này phương tiện qua lại ít hơn so với cầu sông Hàn, cầu Rồng hay cầu Trần Thị Lý,... Ban đêm, cây cầu này cũng tương đối vắng vẻ và có hành lang cho người đi bộ nên khó phát hiện người có ý định tự tử…
Cứ mỗi lần ai đó chọn cây cầu Thuận Phước quyên sinh, mặt nước sông Hàn lại một lần dậy sóng
Đặc biệt, về thiết kế, cầu Thuận Phước có độ tĩnh không thông thuyền lên đến 27m. Với độ cao của cây cầu so với mặt nước hơn 30 mét, việc một người nhảy từ lan can cầu xuống sông Hàn thì khó có thể sống sót. Do đó, khi đã quyết tâm tìm đến cái chết thì các nạn nhân thường chọn cầu Thuận Phước để kết liễu cuộc đời…
"Khi nhảy xuống từ độ cao như vậy, cơ thể người tiếp xúc với mặt nước, xương, nội tạng đều dập vỡ và chết ngay. Có trường hợp chưa chết ngay thì sau đó cũng chết vì đuối nước… Ngoài ra, vị trí của cây cầu này cũng hết sức đặc biệt khi được xây dựng ở trên khoảng không của đoạn sông Hàn đổ ra cửa vịnh Đà Nẵng. Thường ở khu vực cuối sông đầu biển, mực nước sẽ sâu và chảy xiết hơn; đây là những trở ngại không nhỏ khiến công tác cứu hộ gặp vô vàn khó khăn. Nói thật, khi họ đã cố muốn chết thì làm sao cản được, không cách này thì cách khác thôi…", ông Tư giải thích.
Với độ cao so với mặt nước hơn 30 mét, việc 1 người nhảy từ lan can cầu xuống sông Hàn thì khó có thể sống sót
Là người công tác nhiều năm tại địa bàn, Đại úy Vũ Minh Khoa - Trưởng Công an Phường Thuận Phước đã đối diện với rất nhiều vụ tự tử tại cầu Thuận Phước. Theo anh Khoa, nguyên nhân những người nhảy cầu chẳng ai giống ai, có người tâm lý không ổn định, thất tình, buồn chuyện gia đình, mâu thuẫn trong hôn nhân, nợ nần, bần cùng trong cuộc sống,… khiến họ chọn cái chết để kết thúc những u uất không giải tỏa được trong lòng.
Thời gian qua, nhất là sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, do có nhiều vụ nhảy cầu xảy ra, nên Công an phường cũng đã tăng cường tuần tra ở khu vực cầu Thuận Phước để kịp thời ngăn cản nhiều vụ việc. Mỗi khi cứu được một người nhảy cầu, Công an phường Thuận Phước đều phải làm hết trách nhiệm như vận động, khuyên bảo họ nói tên, địa chỉ, liên lạc về gia đình và dùng ô tô đưa họ về tận nhà an toàn.
"Ngoài các vụ cứu được, đa phần vụ việc đã xảy ra rồi. Có khi chúng tôi vừa nhận được tin báo, chạy đến hiện trường thì hậu quả đã xảy ra. Tuy nhiên cũng may mắn có nhiều trường hợp chúng tôi tuyên truyền vận động được họ bỏ ý định tự vẫn, những người này thường tâm lý không ổn định, mâu thuẫn tình cảm và suy nghĩ không được chín chắn…", Đại úy Khoa nói.
Công an phường Thuận Phước kịp thời ngăn cản thành công cụ ông 86 tuổi định nhảy cầu tự tử vì không muốn làm gánh nặng cho con cháu
Đại úy Khoa cho biết thêm, một số vụ tự tử, nhiều người hiếu kì đã đăng tải thông tin vội vàng ảnh hưởng đến người trong cuộc.
"Người dân hiếu kì đưa thông tin không chính thống, có một số bình luận gây phản cảm hoặc không đúng. Dẫn đến sau này nếu người được cứu hộ thành công, có suy nghĩ hơi lệch lạc, người ta lại có tiếp tục suy nghĩ muốn nhảy cầu, không muốn sống nữa…
Con người ai cũng mong muốn được sống hết, khi người ta bị tâm lý, bị dồn nén, bị bức bách thì người ta mới tìm tới sự giải thoát. Nên thật sự đừng vội vàng phán xét!", Đại úy Khoa chia sẻ.
Thực tế ghi nhận, thời gian qua, ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thì Công an phường Thuận Phước cùng các lực lượng chức năng khác ở Đà Nẵng đã vận dụng hết khả năng thuyết phục, kiên trì vận động để lay chuyển những người có ý định tiêu cực. Tuy nhiên, không phải lúc nào câu chuyện cũng có kết thúc đẹp. Bởi, một khi người ta đã quyết tìm đến cái chết thì có muôn vàn cách để tước đi quyền được sống của mình. Và không chỉ ở cầu Thuận Phước, còn rất nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn cũng đã không ít lần phải chứng kiến cảnh ai đó gieo mình tự tử, tìm lối thoát riêng cho bản thân khi gặp những bất trắc, khó khăn trong cuộc đời. Do đó, mọi lời nguyền kỳ bí thêu dệt về cầu Thuận Phước chỉ là đồn thổi, vô căn cứ!