Giải mã “lời nguyền xác ướp” của người Ai Cập cổ đại

Mai Linh |

Đã tồn tại và được khám phá hàng ngàn năm nay, những lời nguyền phủ trên xác ướp Ai Cập cổ đại vẫn là một bí ẩn khó giải mã của loài người.

Lời nguyền từ xác ướp ngủ sâu nghìn năm trong các kim tự tháp Ai Cập cổ đại từ lâu đã trở thành một trong những vấn đề bí ẩn bậc nhất của nhân loại. Tương truyền, sự đồn thổi về những lời nguyền ma mị này được lan rộng từ cái chết bất thường của người tài trợ chính cho chuyến khai quật lăng mộ Vua Tutankhamun vào năm 1922.

Khởi đầu của những lời đồn đại

Giải mã “lời nguyền xác ướp” của người Ai Cập cổ đại - Ảnh 1.

Tháng 11 năm 1922, Howard Carter – một nhà khảo cổ người Anh đã thành công khám phá lăng mộ của vị Pharaoh Tutankhamun dưới sự tài trợ của George Herbert – bá tước đời thứ 5 dòng họ Carnarvon. Hai người mạo hiểm khám phá sâu trong lăng mộ và sửng sốt trước những món đồ tạo tác tuyệt diệu được bồi táng theo vị Pharaoh này. Không một ghi chép nào về những lời nguyền cổ đại được phát hiện và lưu truyền sau chuyến khám phá.

Sau đó ít lâu, bá tước Carnarvon đã qua đời đột ngột do sự nhiễm trùng lan rộng chỉ bắt nguồn từ vết xước khi cạo râu. Chính lí do có phần khó tin này đã làm rộ lên trong dư luận thời bấy giờ những lời đồn thổi về lời nguyền Ai Cập 3000 năm tuổi ẩn sâu trong ngôi mộ của Tutankhamun.

Giải mã “lời nguyền xác ướp” của người Ai Cập cổ đại - Ảnh 2.

Thực tế, ý niệm về những lời nguyền xoay quanh các xác ướp bí ẩn đã tồn tại rất lâu trước sự kiện lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun được khai quật. Jasmine Day, một nhà Ai Cập học cho biết: “Lời nguyền xác ướp là một câu truyện huyền thoại đã nhen nhóm xuất hiện và phát triển dần dần kể từ giữa thế kỷ 19. 

Chúng ngày càng được biết đến rộng rãi và phát triển theo nhiều hướng khác nhau theo đà phát triển của các thể loại văn học viễn tưởng, phim kinh dị, phương tiện truyền thông và gần đây nhất là Internet”.

Ronald Fritze, giáo sư lịch sử tại Đại học bang Athens – một người có kinh nghiệm dày dặn trong mảng nghiên cứu về Ai Cập cũng cho biết rằng: “Khi Ai Cập bắt đầu mở cửa với phương Tây sau cuộc thám hiểm của Napoleon, niềm thích thú với xác ướp đã được khơi dậy mạnh mẽ. 

Những người khá giả thậm chí còn mua chúng chỉ để phục vụ cho nhu cầu giải trí và sau đó đã gặp rắc rối với kiểu phá hoại giấc ngủ của người đã khuất này. Các câu chuyện hư cấu về lời nguyền cũng từ đó mà lan rộng qua các tác phẩm văn chương”.

Khi khoa học nghiên cứu tâm linh

Giải mã “lời nguyền xác ướp” của người Ai Cập cổ đại - Ảnh 4.

Những lời đồn thổi tưởng như nghiêng hoàn toàn về tâm linh kể trên đã thành công thu hút được sự tò mò của giới khoa học, bước đầu hướng các nhà nghiên cứu về giả thuyết tồn tại một loại mầm bệnh vẫn còn hoạt động trong những lăng mộ nghìn năm ấy. 

Tuy nhiên, vào năm 2013, một bài đăng trên tạp chí International Biodeterioration & Biodegradation đã chia sẻ kết quả của công trình phân tích nhiều đốm nâu khả nghi trên lăng mộ của Tutankhamun rằng: “Sinh vật tạo ra những vết tích này không còn hoạt động”.

Giải mã “lời nguyền xác ướp” của người Ai Cập cổ đại - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, Mark Nelson - giáo sư dịch tễ học và y tế dự phòng tại Đại học Monash ở Úc cũng đã tiến hành một nghiên cứu về cuộc sống và tuổi thọ của những người liên quan đến lăng mộ Pharaoh Tutankhamun để tìm ra sự thật về lời nguyền xác ướp bí ẩn. Nghiên cứu của ông đã thu thập và kiểm tra hồ sơ của tổng cộng 25 người khai quật trực tiếp hoặc có đi tham quan vào sâu trong lăng mộ ngay sau khi nó được phát hiện. 

Tuổi thọ trung bình của nhóm này là 70 tuổi - một mốc tuổi không thấp trong bối cảnh đầu thế kỷ 20. Từ đó, nghiên cứu kết luận rằng: "Không có bằng chứng nào chứng minh sự tồn tại của lời nguyền xác ướp" - Nelson viết trong một bài báo năm 2002 đăng trên Tạp chí Y khoa Anh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại