'Cung điện ký ức' một phương pháp ghi nhớ gắn thông tin vào các đối tượng bên trong một tòa nhà hoặc căn phòng tưởng tượng. Phương pháp từng giúp Sherlock Holmes ghi nhớ lượng thông tin cực lớn, giúp ông phá được nhiều vụ án.
Cung điện ký ức bắt nguồn từ nhà thơ Hy Lạp Simonides, Ceos. Simonides có thể xác định vị trí của những người bạn của mình bằng cách nhớ lại nơi họ đã ngồi trước khi ông bước ra khỏi phòng, minh họa giá trị của việc gắn ký ức vào một vị trí thực tế ngay cả khi chỉ trong tâm trí.
Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu tìm ra kỹ thuật ghi nhớ siêu đẳng cổ xưa của thổ dân Australia, hoạt động tốt hơn cả phương pháp 'cung điện ký ức'.
Cả hai phương pháp đều liên quan đến việc gắn thông tin cần nhớ vào một đối tượng, địa điểm thực tế. Tuy nhiên, kỹ thuật của thổ dân Australia có thêm việc kể chuyện.
Những người thổ dân xưa đã nỗ lực rất nhiều để có thể truyền tải thông tin mà không cần sử dụng công nghệ hiện đại hay bất cứ loại chữ viết nào.
David Reser, giảng viên tại Trường Y tế Nông thôn thuộc Đại học Monash, Australia, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Phương pháp mà chúng tôi phát hiện có khá nhiều điểm tích cực".
Kỹ thuật mới gắn thông tin với địa lý vật lý nhưng ở dạng tường thuật kết hợp với các địa danh, hệ thực vật và động vật. Nhóm nghiên cứu áp dụng thử nghiệm với 76 sinh viên tham gia. Đầu tiên, nhóm sinh viên được xem danh sách 20 tên loài bướm phổ biến và có 10 phút để ghi nhớ toàn bộ. Sau đó, những người tham gia cố gắng viết ra càng nhiều tên càng tốt.
Thử nghiệm thứ hai là quá trình học kéo dài 30 phút. Trong đó, 1/3 sinh viên được dạy kỹ thuật 'cung điện ký ức' và 1/3 được đưa đến khu vườn trong khuôn viên trường, địa điểm nhà nghiên cứu Yunkaporta hướng dẫn họ học kỹ thuật của thổ dân Australia.
Nhóm học theo cách thổ dân phát triển một câu chuyện gắn liền với khu vườn để ghi nhớ danh sách tên các loài bướm. 1/3 cuối cùng được xem một đoạn video không liên quan đến nội dung. Sau đó, nhóm sinh viên lại được phát danh sách và 10 phút để ghi nhớ, sau đó họ viết lại tên loài bướm.
Kết quả cho thấy, nhóm áp dụng phương pháp trí nhớ của người thổ dân Australia có thể nhớ số lượng nhiều hơn những người theo kỹ thuật 'cung điện trí nhớ'. So với hai nhóm còn lại, họ không chỉ nhớ tên loài bướm nhiều hơn mà còn có khả năng liệt kê tên loài theo đúng thứ tự danh sách.
Bài kiểm tra không yêu cầu sắp xếp tên loài bướm theo thứ tự như trong danh sách nhưng những sinh viên học theo phương pháp của thổ dân sẽ gắn thông tin vào một câu chuyện và ghi nhớ theo trình tự nhất định khá tự nhiên.
Cách kể chuyện theo kỹ thuật của thổ dân cũng mang tính cộng đồng thay vì cá nhân, điều này cũng có thể giúp tăng cường trí nhớ.
David Reser cho biết: "Trong lĩnh vực y tế, ghi nhớ sắp xếp theo trật tự là một điều quan trọng".
Magaret Simmons, một giảng viên cao cấp tại trường y, đồng tác giả đã thu thập phản hồi từ các sinh viên và nhận thấy rằng họ thích thú khi học kỹ thuật cổ xưa và sử dụng trong quá trình học tập, nghiên cứu của họ.
Điều này khá quan trọng vì nhiều sinh viên y khoa cảm thấy lo lắng về lượng ghi nhớ mà họ phải ghi nhớ. Các nhà nghiên cứu cho biết muốn kết hợp những phương pháp này vào chương trình giảng dạy, nhưng điều quan trọng là phải tìm được một người hướng dẫn thổ dân có thể truyền đạt kỹ thuật một cách chính xác.