Giải mã khẩu hiệu mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hà Linh |

Khi cụm từ “lực lượng sản xuất mới” được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong tuyên bố ưu tiên hàng năm của chính phủ Trung Quốc, cụm từ này đã tạo ra một cuộc đua giải mã ý nghĩa.

Động lực tăng trưởng mới

Giải mã khẩu hiệu mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 8/1. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên nhắc đến “lực lượng sản xuất mới” vào tháng 9 năm ngoái trong chuyến thị sát và nghiên cứu tại Đông Bắc Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đề cập “lực lượng sản xuất mới” khi đến khu vực này. Mặc dù Đông Bắc Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc nhưng quá trình chuyển đổi từ động lực tăng trưởng truyền thống đã chậm lại trong những năm gần đây, tạo nhiều khó khăn cho chặng đường phát triển của khu vực. "Lực lượng sản xuất mới” là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.

Theo hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc), “lực lượng sản xuất mới” có nghĩa là năng suất được giải phóng khỏi các mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nó bao gồm công nghệ cao, hiệu quả cao, chất lượng cao và phù hợp với triết lý phát triển mới.

Cụm từ đề cập đến các lực lượng sản xuất mới xuất phát từ đột phá trong khoa học và công nghệ, thúc đẩy tương lai chiến lược cũng như các ngành công nghiệp mới nổi, được kỳ vọng có thể tạo ra tiến bộ mang tính đột phá. Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới tập trung vào phát triển chất lượng cao.

Xinhua nhấn mạnh mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài liên quan đến tăng trưởng kinh tế và phát triển trong tương lai, nhưng nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng 5,2% vào năm 2023. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phát triển các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Giải mã khẩu hiệu mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình- Ảnh 3.

Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà nghiên cứu Pan Helin tại Đại học Chiết Giang phân tích rằng cụm từ “lực lượng sản xuất mới” đã trở nên thông dụng trong các chương trình nghị sự của chính quyền địa phương khi Trung Quốc chuyển sang mô hình tăng trưởng coi trọng chất lượng hơn số lượng. Ông Tập Cận Bình từng khẳng định Trung Quốc sẽ ưu tiên đổi mới khoa học công nghệ, tăng tốc hình thành khả năng tự lực và sức mạnh ở mức độ cao trong khoa học và công nghệ, đồng thời tạo đột phá trong các công nghệ cốt lõi.

Hơn nữa, Trung Quốc đang chuẩn bị hồi sinh nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy sáng kiến xanh, cải cách quan hệ sản xuất và đẩy mạnh phối hợp năng động giữa giáo dục, khoa học và đào tạo nhân sự. Những sáng kiến này đã được tiến hành. Theo dữ liệu chính thức, tỷ trọng của các ngành mới nổi mang tính chiến lược trong tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng lên hơn 13% vào năm 2022, từ mức 7,6% năm 2014. Trung Quốc có kế hoạch nâng lên hơn 17% vào năm 2025.

Sự trỗi dậy của “lực lượng sản xuất mới” báo hiệu thay đổi mang tính chuyển đổi trong kinh tế của Trung Quốc, thay thế các động lực tăng trưởng lỗi thời bằng những động lực năng động hơn, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế bền vững và mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Để thúc đẩy hơn nữa đổi mới và tăng tốc độ phát triển “lực lượng sản xuất mới”, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác khoa học công nghệ với hơn 160 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới về năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo cùng y sinh.

Tháng 8 năm ngoái, tập đoàn Huawei đã ra mắt chiếc điện thoại thông minh có khả năng kết nối mạng 5G. Xe điện, pin Mặt Trời và pin lithium-ion, được phân loại là “ba loại mới” xanh và thâm dụng công nghệ của Trung Quốc, ghi nhận tổng giá trị xuất khẩu 1,06 nghìn tỷ nhân dân tệ (150 tỷ USD) năm 2023, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà sản xuất ô tô BYD có trụ sở tại Thâm Quyến trong quý 4 năm 2023 đã đứng đầu thế giới về doanh số bán xe điện, lần đầu tiên vượt qua Tesla.

Bình mới rượu cũ?

Giải mã khẩu hiệu mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình- Ảnh 4.

Dây chuyền lắp ráp xe ô tô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 3/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Truyền thông Trung Quốc giải thích rằng khái niệm này phù hợp với các lý thuyết về sản xuất của Karl Marx. Trong khi đó, các nhà đầu tư chứng khoán lại cho rằng câu khẩu hiệu này là tín hiệu phản ánh tập trung nhiều hơn đến sản xuất các công cụ và máy móc thông minh.

Một diễn biến đáng chú ý là cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan, từ những công ty sản xuất robot đến các nhà sản xuất phụ tùng máy bay, đều tăng do suy đoán rằng họ sẽ được hưởng lợi từ việc tăng chi tiêu nhà nước và thị trường đang phát triển.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng khẩu hiệu này chỉ là “bình mới rượu cũ” từ những lời kêu gọi trong những năm gần đây để tăng chuỗi giá trị như “made in China 2025” và “chuyển đổi số”.

Các nhà đầu tư cho rằng việc thay đổi trong ngôn từ sẽ giúp các quan chức địa phương hiểu được Bắc Kinh vẫn quyết tâm đi theo con đường này bất chấp thách thức kinh tế ngày càng gia tăng.

Nhà quản lý quỹ Cheng Hao tại Công ty quản lý tài sản Feiluo Chiết Giang, đánh giá: “Phải mất một thời gian dài để thu được kết quả từ thay đổi trong công nghiệp và tiến bộ công nghệ”.

Bắc Kinh đang tăng quá trình chuyển đổi công nghệ ở thời điểm nước này vướng vào cuộc cạnh tranh ngày càng sâu sắc với Mỹ về khả năng tiếp cận công nghệ. Mỹ đang đề nghị các đồng minh thắt chặt hơn nữa hạn chế đối với việc tiếp cận chất bán dẫn của Trung Quốc. Do đó, việc sở hữu được những con chip phức tạp sẽ là điều cần thiết để Bắc Kinh thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt, AI là một trong những lĩnh vực “đáng được xem xét đặc biệt” trong báo cáo của chính phủ Trung Quốc. Để thể hiện ủng hộ của chính phủ, vào ngày 13/3, Thủ tướng Lý Cường đã đến thăm công ty dẫn đầu về AI của Trung Quốc là Baidu Inc. Các lĩnh vực khác được nêu trong báo cáo bao gồm xe điện, sản xuất sinh học, chuyến bay vũ trụ thương mại, vật liệu mới, năng lượng hydro và công nghệ lượng tử.

Năm 2018, mô hình “internet cộng” trong chăm sóc sức khỏe và giáo dục đã nhiều lần được đề cập là một ưu tiên. Sau đó, vào năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu tăng cường đề cập đến “cộng đồng phú dụ”, hướng đến tái phân phối hầu hết tài sản tại nước này, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về hưởng lợi không cân đối từ phát triển kinh tế quốc gia. "Cộng đồng phú dụ", hay cộng đồng thịnh vượng chung, hướng đến đem lại bình đẳng, phân phối của cải từ đỉnh của tháp tài sản. Để đạt được mục tiêu đó, nền kinh tế số và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới là những lĩnh vực then chốt Bắc Kinh ưu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại