Thi trắc nghiệm tưởng không khó mà nhiều khi khó không tưởng. Biết đáp án thì khoanh cái vèo là xong. Hoặc nếu mù tịt cả thì... khoanh bừa là xong. Nhưng còn trường hợp "bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước", đáp án nào cũng thấy nghi ngờ thì biết phải làm sao?
Đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm chinh chiến, có một lời truyền miệng rất được học trò tin tưởng - đó là hãy tin vào sự lựa chọn đầu tiên của mình. Lần đầu tiên thấy nó đúng nghĩa là nó... sẽ đúng, hễ dại dột ngồi sửa lại thì sai đừng hỏi! Nhận định này cũng được cư dân mạng nhiệt tình hưởng ứng.
Nhiều bình luận cho rằng "một khi đã khoanh, xin đừng sửa lại"!
Thế nhưng tâm lí học lại nói lựa chọn đầu tiên không đáng tin cậy như chúng ta vẫn tưởng. Tiến sĩ Justin Couchman – làm việc tại trường Albright College, Mỹ - cho biết chọn đáp án theo trực giác ban đầu không bảo đảm độ chính xác cao.
Bởi có một thứ gọi là "endowment bias" (sự thiên vị vốn có) sẽ khiến chúng ta dễ chủ quan, dính chặt vào suy nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu mà không quan tâm đến những chi tiết khách quan khác. Kết quả là chọn sai.
Để chứng minh cho nhận định này, Couchman tiến hành 2 thử nghiệm nhỏ. Trong thử nghiệm 1, ông cho cả lớp cao đẳng làm một bài kiểm tra lấy điểm thật. Họ được yêu cầu ghi chú lại đối với từng câu hỏi là mình biết chắc hay chỉ đoán mò, và liệu họ có sửa lại đáp án ban đầu hay không.
Kết quả, nhìn chung nếu sinh viên thay đổi đáp án thay vì chỉ khư khư giữ lấy lần khoanh đầu tiên, khả năng chính xác sẽ tăng cao hơn!
Đến thí nghiệm thứ hai, mỗi câu hỏi có năm lựa chọn A, B, C, D, E. Tiến sĩ Couchman yêu cầu sinh viên KHÔNG thay đổi câu trả lời của mình.
Nhưng sau đó, họ sẽ phải cho từ 1 đến 5 sao với từng đáp án, dựa trên cảm nhận đáp án nào có khả năng đúng cao nhất.
Ví dụ, nếu bạn thấy A có vẻ đúng nhất thì cho 5 sao, câu B rõ ràng sai bét nhè thì cho nó 1 sao. Kết quả, đáp án nào mà học sinh cho 5 sao thì đó đa số là những lựa chọn chính xác nhất.
Từ hai thử nghiệm trên và nhiều quan sát khác, tiến sĩ Couchman đã rút ra "chiến lược" sau:
- Chọn một đáp án mà bạn nghĩ là đúng ngay sau khi xong đọc câu hỏi.
- Suy nghĩ lần nữa và chấm sao cho mỗi đáp án dựa vào khả năng chính xác của nó.
- Nếu đáp án ban đầu được 4-5 sao, hãy giữ nguyên. Nếu không thì chọn cái khác đi.
Cách thức hoạt động của chiến lược này như sau. Lần đầu tiên, bạn chọn đáp án nhờ hiểu biết và trực giác. Sau đó, bạn đánh giá lại cảm nhận của mình với từng đáp án một. Đây là quá trình tự đánh giá bản thân, một hình thức "metacognition" (nhận thức về cái nhận thức, suy nghĩ về sự suy nghĩ).
Cuối cùng, bạn xem trực giác và sự nhận thức của mình đã có điểm chung nào với nhau, rồi quyết định chốt câu trả lời. Việc này sẽ đem lại cho bạn khả năng đúng cao hơn so với "lời đồn" cứ khoanh đáp án đầu tiên và đừng bao giờ sửa lại!
Dĩ nhiên, khi thi trắc nghiệm, chẳng ai đủ thời gian chấm sao cho từng câu hỏi. Nhưng biết đâu bạn sẽ cần cho một câu nào đó mà mình quyết "ăn thua đủ", một lần khoanh quyết định thắng thua thì sao?
Mặt khác, chiến lược của nhà tâm lí Couchman đã cho thấy việc dò lại đáp án không bao giờ là thừa. Đừng quá mù quáng tin vào trực giác của bản thân kẻo có ngày nó phản chủ bất ngờ đấy!
Nguồn: Mentalfloss