Cầu vồng là hiện tượng quang học thiên nhiên mà hầu như ai trong chúng ta đều từng được chiêm ngưỡng.
Và khi nói đến cầu vồng, hẳn bạn sẽ liên tưởng ngay tới vòng cung rực rỡ 7 màu nổi bật là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Nhưng bạn đã bao giờ thấy "cầu vồng trắng" muốt chưa?
"Cầu vồng trắng" - hay nhiều người thường gọi vui là "cầu vồng ma" là một hiện tượng khí tượng vô cùng hiếm gặp.
Người ta thường nói "cầu vồng sau cơn mưa". Câu nói này đúng nhưng chưa hẳn chính xác hoàn toàn. Bởi những màn sương mỏng cũng có khả năng tương tự trong điều kiện không khí bị lạnh đột ngột. Khi ấy hiện tượng xuất hiện gọi là "fogbow" (cầu vồng sương).
Theo các nhà khoa học, "cầu vồng trắng" hay cầu vồng sương được tạo ra từ ánh sáng Mặt trời và những hạt nước cực nhỏ, có đường kính dưới 0,05 mm.
Cầu vồng này có "nguyên liệu" là các giọt nước li ti trong sương mù.
Vì quá nhỏ nên những giọt nước này không thể khúc xạ ánh sáng tạo ra hiệu ứng nhiều màu như nước mưa.
Tuy nhiên, chúng gây nên hiện tượng nhiễu xạ (bẻ cong và lan rộng sóng ánh sáng) khiến cho mắt thường thấy cầu vồng có màu trắng bạc. Cầu vồng trắng có thể được quan sát trong lớp sương mù mỏng khi Mặt trời chiếu sáng.
Cầu vồng trắng ở Rannoch Moor được nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Melvin Nicholson chụp lại.
Mới đây, Melvin Nicholson - nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp từ Scotland đã ghi lại khoảnh khắc thiên nhiên ấn tượng với cầu vồng trắng. Hiện tượng kì thú này được chụp lại vào ngày 20/11 trong chuyến đi dã ngoại của Melvin tới vùng Rannoch Moor.
Các chuyên gia cũng bật mí rằng, một số cầu vồng trắng có độ tương phản rất thấp. Nếu muốn quan sát cầu vồng trắng, bạn hãy tìm kiếm những thay đổi ánh sáng nhỏ trong nền sương mù. Mặt Trời phải ở độ cao khoảng 30 - 40 độ, hoặc bạn phải đứng trên một ngọn đồi cao, nơi sương mù và cầu vồng trắng có thể nhìn thấy từ trên xuống.
Cầu vồng trắng có kích thước lớn như một cầu vồng thông thường nhưng rộng hơn rất nhiều.
Nguồn: ScienceAlert