Pháp lam là danh xưng do triều đình nhà Nguyễn đặt ra để gọi những chế phẩm làm bằng đồng tráng men nhiều màu. Tuy nhiên, trước khi sử dụng danh xưng, người Trung Quốc còn gọi loại chế phẩm này bằng nhiều tên gọi khác nhau như Quỷ quốc diêu, Đại thực diêu, Phật lang khảm, Phát lam, Phất lang...
Ngày nay, pháp lam là danh xưng người Trung Hoa gọi chung cho tất cả các chế phẩm có cốt làm bằng đồng, được phủ một hoặc nhiều lớp men màu rồi đem nung mà thành. Nhiều ý kiến cho rằng việc nhà Nguyễn thay đổi tên gọi nhằm tránh trùng âm với những chữ quốc quý của triều Nguyễn.
Kĩ nghệ chế tác hoạ pháp lam dùng bút lông để vẽ các họa tiết bằng men màu lên trên nền cốt đồng đã được xử lý bằng một lớp men lót, rồi đem nung tạo nên sản phẩm. Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất sản xuất pháp lam (pháp lang). Các nước Ba Tư, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp... đều sản xuất pháp lang và gọi những chế phẩm này bằng những cái tên khác nhau.
Nhưng đặc biệt, từ nửa sau thế kỉ XVIII, Quảng Đông trở thành một địa danh nổi tiếng trong việc sản xuất pháp lang để xuất khẩu sang các nước phương Tây. Từ Quảng Đông, những món họa pháp lang đã theo chân các tàu buôn của Trung Hoa đi khắp nơi, theo đó du nhập vào Việt Nam. Người ta mua những món đồ này làm đồ thờ tự hoặc để trưng bày trong phòng khách như những tác phẩm mĩ thuật.
Dựa vào nguồn sử liệu của triều Nguyễn kết hợp nghiên cứu nguồn cổ vật pháp lam hiện có trong cung điện, bảo tàng Huế, có thể nhận thấy rằng thời điểm khai sinh kĩ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam là năm 1827. Nhà vua cho đặt Pháp lam tưa cục gồm 15 người do Vũ Văn Mai đứng đầu, chuyên sản xuất pháp lam cho triều đình Huế. Xưởng chế tác pháp lam được đặt ở khu Canh Nông trong thành Nội. Ngoài ra, triều đình còn mở xưởng tại Ái Tử, Quảng Trị và Đồng Hới, Quảng Bình.
Pháp lam là danh xưng do triều đình nhà Nguyễn đặt ra để gọi những chế phẩm làm bằng đồng tráng men nhiều màu.
Pháp lam Huế có nhiều loại hình sản phẩm, tuy nhiên chủ yếu tập trung thành 3 nhóm chính: pháp lam trang trí ngoại thất các cung đình Huế; pháp lam trang trí nội thất và các đồ tự khí; pháp lam trang trí đồ gia dụng.
Trong 3 loại này, được chú ý nhiều nhất vẫn là pháp lam trang trí ngoại thất. Khi đến tham quan những đền đài, lăng tẩm, bạn hãy để ý những chi tiết trang trí hình rồng, mây, các ô hộc trang trí bát bửu, tứ quý. Đó chính là pháp lam trang trí ngoại thất.
Về mặt chức năng, pháp lam Huế là một loại vật liệu kiến trúc, có tính năng chịu đựng tác động ngoại lực, nhiệt độ, tác hại của mưa nắng và thời gian rất cao. Vì thế, loại vật liệu này thường được sử dụng tạo thành các đồ án trang trí hình khối gắn trên đỉnh nóc của các cung điện hoặc tạo thành các mảng trang trí phẳng gắn trên bờ nóc, bờ mái các cung điện, lăng tẩm, nghi môn.
Pháp lam trong thời Nguyễn được sử dụng như một loại vật liệu kiến trúc.
Pháp lam ở các công trình mang những màu sắc tươi sáng, lộng lẫy có cường độ mạnh nổi bật trên các phông màu sáng cố hữu của các kiến trúc cổ kính, rêu phong. Điều này làm các công trình vốn uy nghi, trầm mặc có thêm màu tươi sáng và thanh thoát.
Trình độ kĩ thuật chế tạo pháp lam thời kì đầu chưa đạt độ sắc nét, tinh xảo, màu sắc không bằng pháp lam nước ngoài. Tuy nhiên, pháp lam Huế mang lại dấu ấn đặc trưng riêng bởi sự sáng tạo của người Việt và văn hóa Việt. Pháp lam Huế khởi nguyên từ triều Minh Mạng, phát triển rực rỡ dưới thời Thiệu Trị sang đến triều Tự Đức thì phôi phai dần rồi mất hẳn.
Trải qua gần 2 thế kỷ tồn tại, trong một môi trường, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt xứ Huế, lại bị chiến tranh tàn phá nên nhiều mảnh pháp lam trang trí trên các cung điện Huế đã biến mất hoặc bị xâm hại nặng nề. Trong nỗ lực trùng tu tôn tạo các công trình kiến trúc thời Nguyễn có dấu hiệu của pháp lam Huế, nhiều nhóm chuyên gia bảo tồn đã dày công nghiên cứu chất liệu pháp lam cổ, xây dựng phương pháp, kĩ thuật chế tác nhằm khôi phục pháp lam Huế trong điều kiện các thư tịch, bí quyết đều đã thất truyền.