"Giải mã cuộc sống": Kỳ đài Thành Nam - Dấu mốc lịch sử của một đô thị cổ

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo) |

Sự tồn tại của Kỳ đài Thành Nam gắn liền với nhiều sự kiện đáng nhớ của một đô thị cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa đối với nhiều thế hệ.

Nằm ở phía Nam và là thành phố trung tâm tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa và tôn giáo ngay từ những thời kỳ đầu thế kỷ XVIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần đã cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho một đô thị Nam Định sau này. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, đến nay, những dấu xưa của Thành Nam (Nam Định ngày nay) có nơi chỉ còn là phế tích. Song, vẫn sừng sững trong thành phố là Kỳ đài Thành Nam - một chứng tích của nhiều giai đoạn hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của người dân Nam Định.

Quy mô của Kỳ đài Thành Nam

Giải mã cuộc sống: Kỳ đài Thành Nam - Dấu mốc lịch sử của một đô thị cổ - Ảnh 1.

Trong lịch sử, Kỳ đài còn được gọi là cột cờ, là di tích kiến trúc và biểu tượng của quyền lực thời nhà Nguyễn. Trải qua thời gian, các kỳ đài vẫn sừng sững tồn tại và chứng kiến nhiều sự kiến đáng nhớ của lịch sử. Kỳ đài Thành Nam nằm ở phía Nam nội thành, trước điện Kính Thiên (nay là chùa Vọng Cung).

Cột cờ Nam Định khởi dựng vào năm Nhân Thân 1812, đến năm Quý Mão 1843 thì hoàn thành. Cột cờ ngày nay bao gồm 3 phần chính: chân đế, thân cột và vọng canh. Kỳ đài Thành Nam cao 23,84m cách đình Vọng Cung 100m.

Giải mã cuộc sống: Kỳ đài Thành Nam - Dấu mốc lịch sử của một đô thị cổ - Ảnh 2.

Thân cột cờ cao 12,65m, thu nhỏ dần về phía trên với 2 phần: phần dưới xây hình trụ bát giác và phần trên xây hình tròn. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy ốc gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị. Phần vọng canh xây hình trụ tròn có lan can, 4 cửa vòm và 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ các hướng quan sát kĩ có thể thấy cột cờ gồm những khối lăng trụ xếp chồng lên nhau, thon dần từ dưới lên trên. Cấu trúc cân đối này tạo nên những đường nét thẳng, khỏe khoắn, vững vàng.

Về kích thước và quy mô, kỳ đài Thành Nam không lớn như kỳ đài ở Hà Nội và Huế nhưng lại mất khá nhiều thời gian, từ 1812 đến 1843. Qua tư liệu, chúng ta có thể thấy rằng quy mô và hình thái của kỳ đài cũng có những thay đổi đáng kể trải qua thời gian. Đây có lẽ cũng là lí do mà các nhà nghiên cứu đã tính được quãng thời gian xây dựng cho tới thời gian kỳ đài hoàn thiện.

Kỳ đài Thành Nam và dấu tích lịch sử oai hùng

Giải mã cuộc sống: Kỳ đài Thành Nam - Dấu mốc lịch sử của một đô thị cổ - Ảnh 3.

Kỳ đài Thành Nam là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm. Xung quanh khu vực kỳ đài là bãi chiến trường xưa, tuy nhiên dấu tích còn lại không nhiều. Tuy vậy. phía trong kỳ đài vẫn ẩn chứa một câu chuyện về di tích lịch sử hào hùng này.

Năm 1873, thực dân Pháp đã đánh chiếm thành Nam Định lần 1. Nhiều tướng sĩ và nhân dân Thành Nam đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hi sinh, trong đó có anh hùng liệt nữ Nguyễn Thị Trinh - con gái của quan vệ úy Nguyễn Kế Hưng.

Ngày 11/12/1873, khi quân Pháp đánh chiếm thành Nam Định, quan vệ úy Nguyễn Kế Hưng mang quân binh đến giúp quân sĩ giữ kỳ đài. Quân Pháp bao vây kỳ đài mỗi lúc một đông, bà Nguyễn Thị Trinh liền tổ chức một lực lượng ở lại trấn giữ kho lương rồi dẫn đầu một đội quân đến kỳ đài đánh tập hậu để giải vây quân ta. Nhưng trước ưu thế về vũ khí của thực dân Pháp, nhiều tướng sĩ bảo vệ kỳ đài đã lần lượt hi sinh, trong đó có cả bà Nguyễn Thị Trinh. Khi ấy, bà mới ngoài 20 tuổi. Nhân dân Thành Nam thương xót đã an táng bà cùng các chiến sĩ ngay tại khu vực kỳ đài.

Giải mã cuộc sống: Kỳ đài Thành Nam - Dấu mốc lịch sử của một đô thị cổ - Ảnh 4.

Điện thờ bà Nguyễn Thị Trinh - Giám Thương Công chúa.

Sau Hòa Ước Giáp Tuất 1874, quân Pháp rút khỏi Bắc Kỳ. Vua Tự Đức đã xét công lao, phong tặng cho những người có công chống Pháp. Bà Nguyễn Thị Trinh đã được phong tặng Giám Thương Công Chúa - Công chúa coi kho - và cho xây dựng miếu thờ tại kỳ đài. Năm 1891, bà lại được Vua Thành Thái truy phong 4 chữ "Tiết - Liệt - Anh - Phong". Nhân dân Thành Nam tôn phong là Bà chúa cột cờ, kính cẩn hương khói phụng thờ.

Một sự kiện khá xảy đến với kỳ đài Thành Nam chính là khi bị bom Mỹ đánh sập vào năm 1965. Nhắc lại từ năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên kỳ đài, khẳng định thắng lợi của Cách mạng tháng 8. Trong kháng chiến chống Mỹ, cột cờ là nơi đặt trạm quan sát và trực chiến của tự vệ nhà máy Liên Hợp Dệt. Vào ngày 2/7/1965, máy bay Mỹ đã đánh phá thành phố, ném bom phá hủy một góc cột cờ. 11/6/1972, trong đợt oanh kích thành phố, không quân Mỹ đã rải bom làm sập toàn bộ công trình kiến trúc quan trọng này.

Giải mã cuộc sống: Kỳ đài Thành Nam - Dấu mốc lịch sử của một đô thị cổ - Ảnh 5.

Năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố Nam Định, cột cờ đã được phục dựng lại với chiều cao tổng thể là 23,84m. Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và giá trị kiến trúc, vào năm 1962, cột cờ Nam Định đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 1997, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cho công trình này.

Gần hai thập kỷ qua, kỳ đài Thành Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, sự đổi thay của Thành Nam xưa - Nam Định ngày nay. Đây là một công trình kiến trúc cổ có giá trị lịch sử, văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước của người dân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại