Chúng ta đều biết có một bộ não nằm ở phần đầu cơ thể, nhưng gần đây các nhà khoa học đã chỉ ra sự tồn tại của “bộ não thứ hai” ở phần bụng con người.
“Bộ não thứ hai” là gì?
Hệ thống thần kinh ruột (ENS), hay còn được gọi là “bộ não thứ 2” bởi hệ thống này bao gồm một mạng lưới chằng chịt các tế bào thần kinh tự hoạt động và có khả năng điều khiển chuyển động của cơ ruột mà không cần tới bất kỳ sự trợ giúp nào từ hệ thống thần kinh trung ương.
Các nhà khoa học đã khám phá ra cơ chế hoạt động của “bộ não thứ hai” nằm ở vùng bụng con người.
Một nghiên cứu khoa học được công bố ngày 29/5 trên tạp chí JNeurosci cũng đã chỉ ra rằng “bộ não thứ 2” này thực sự khá thông minh. Bên cạnh đó, một nhóm nghiên cứu sinh đến từ trường Đại học Flinder, Úc cũng đã thực hiện những thí nghiệm và kết luận rằng, bằng các xung tích điện, chất thải có thể được vận chuyển xuống ruột non và cuối cùng được đào thải ra khỏi cơ thể
“Bộ não thứ hai” hoạt động theo cơ chế nào?
Để hiểu được điều này, nhóm nghiên cứu trường đại học Flinder đã tiến hành nghiên cứu trên 400.000 tế bào thần kinh của chuột.
Bằng cách sử dụng điện cực cùng với công nghệ chẩn đoán bằng hình ảnh có độ phân giải cao, các nhà khoa học đã khám phá ra một chuyển động xung điện nhịp nhàng có trong hệ thống ruột của chuột. Và sau đó, các xung điện này sẽ được đồng bộ hóa để tạo ra những cơn co thắt, giúp vận chuyển những chất thải thông qua ruột và ra khỏi cơ thể.
Quá trình này còn được gọi với một cái tên khoa học là “phức hợp di chuyển đại tràng” (CMMC) - cũng giúp đào thải những chất khó tiêu hóa (ví dụ như xương, chất xơ) ra khỏi cơ thể và giúp đưa một lượng lớn lợi khuẩn đến vùng ruột con người.
Các nhà khoa học cho rằng, những loài động vật có vú sở hữu “bộ não thứ 2” tại đường ruột trong cơ thể.
Tác giả của bài nghiên cứu, giáo sư Spener có cho hay: “Việc hiểu được bản chất của 'bộ não thứ hai' này có thể hỗ trợ trong việc điều trị những bệnh liên quan đến đường ruột trong tương lai, như ung thư đường ruột”.
“Giờ đây, khi đã hiểu được cách thức hệ thống thần kinh ruột được kích hoạt trong điều kiện sức khỏe ổn định, chúng ra có thể tận dụng để đưa ra một phác đồ chi tiết để giải thích tại sao các rối loạn chức năng thần kinh có thể xuất hiện trong đại tràng con người”.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên kết luận và nghiên cứu này được công bố và cho đến nay mới chỉ được tiến hành trên những con chuột thí nghiệm.
Các nhà khoa học tự tin khẳng định rằng, những phát hiện của họ cũng có thể được áp dụng trên những động vật có vú khác. Nhưng để hiểu được cặn kẽ và thấu đáo về khả năng của “bộ não thứ 2” này, có lẽ sẽ cần phải đòi hỏi thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu khác trong tương lai.