Chim gõ kiến (Tên khoa học: Picidae) là một loài chim rất thú vị, chúng sở hữu một chiếc lưỡi rất dài và đặc biệt cho phép loài chim này có thể tung những cú mổ cực nhanh (có thể lên đến 24 km/h và tần suất 20 lần/giây, lực mổ hơn 1.000 g) mà không lo vỡ đầu.
Vậy tại sao chiếc lưỡi dài này lại có liên quan tới việc bão vệ bộ não của chim gõ kiến? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn vấn đề này qua bài viết dưới đây:
Đầu tiên chúng ta cần hiểu cấu trúc của chiếc lưỡi này thông qua giải phẫu học, dưới đây là hình ảnh về chiếc lưỡi của chim gõ kiến.
Hình ảnh giải phẫu chiếc lưỡi của chim gõ kiến. Ảnh: BirdWatching Magazine
Sau khi nhìn hình ảnh trên, có lẽ bạn sẽ phải kinh ngạc trước cấu tạo đặc biệt của chiếc lưỡi này, đây quả là 1 trong những thiết kế độc đáo nhất của tạo hóa. Chiếc lưỡi dài đến nỗi có thể quấn quanh bộ não của chim để bảo vệ não bộ trong quá trình chim gõ kiến mổ vào bề mặt cứng.
Bên cạnh cơ bắp ở cổ săn chắc, xương sọ cấu tạo kiểu bọt biển (hoạt động tương tự một chiếc mũ bảo hiểm trong môn bóng bầu dục) cùng một mí mắt dày cộm thì chiếc lưỡi chính là yếu tố giúp chim gõ kiến không bị vỡ não dù chịu một lực rất lớn khi gõ kiến mổ vào thân cây.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Ivan Schwab của Đại học California Davis, Mỹ - người đoạt giải Ig Nobel năm 2006 về điểu học thì sau mỗi cú mổ, chim gõ kiến phải chịu một lực gấp 1.200 lần trọng lực và mỗi giây nó thực hiện tới 20 cú mổ như vậy.
Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là bộ não của loài chim này lại không hề chịu bất cứ tổn thương nào tác động vào, điều này có được là do cấu trúc của chiếc mỏ nhọn (giống như 1 chiếc đục), chiếc lưỡi dài và cấu trúc bộ xương có khả năng hấp thụ lực rất tốt.
Chim gõ kiến có thể mổ 20 cú mỗi giây. Ảnh: National Audubon Society
Việc sở hữu một chiếc lưỡi dài không chỉ giúp chim gõ kiến có thể ăn được những côn trùng nhỏ bên sâu trong hốc cây mà còn giúp bảo vệ bộ não của chim trước các va chạm mạnh khi chúng tiến hành mổ vào gốc cây.
Chiếc lưỡi này dài đến nỗi có thể quấn quanh bộ não, mắt của chim và kéo dài đến lỗ mũi (độ dài khoảng 10 cm - bằng 1/3 chiều dài cơ thể của chim).
Nghiên cứu sâu hơn loài chim gõ kiến nhỏ sườn đỏ (Tên khoa học: Dendrocopos major) bằng camera tốc độ cao, cảm biến mô men xoắn và kính hiển vi điện tử quét, các nhà nghiên cứu tại Đại học Beihang (BUAA), Bắc Kinh, Trung Quốc đã có những phát hiện đầy thú vị.
Theo đó, cấu trúc của bộ não và xương hàm dưới của loài chim này đã có sự thay đổi nhỏ để cho phép chúng trượt hay biến dạng nhằm hấp thụ lực tác động khi mổ. Chiếc mỏ dưới của chim cũng ngắn hơn một chút so với chiếc mỏ ở trên.
Các nhà khoa học cho hay điều này sẽ giúp lực tác động chủ yếu tác động vào hàm dưới thay vì tác động vào hộp sọ nếu đi theo chiếc mỏ ở trên. Đây có lẽ là chiếc lưỡi độc nhất vô nhị trong thế giới động vật!
Bài viết được dịch từ các nguồn: Improbable, Earthtouchnews, Birdwatchingdaily