Thắc mắc trước việc dòng quần áo HeatTech của Uniqlo bán rất chạy nhờ vào tính chất giữ nhiệt hiệu quả mà theo hãng thời trang này tuyên bố là "không cần phải mặc nhiều áo", cây bút Wilfred Chan của The Guardian đã tìm hiểu xem liệu có công nghệ đặc biệt nào ẩn trong đó hay đây chỉ là chiêu trò quảng cáo.
Vì sao quần áo giữ nhiệt Uniqlo bán chạy?
Trải qua nhiều năm sống trong những căn hộ cũ kỹ ọp ẹp, hệ thống sưởi yếu và khả năng cách nhiệt kém, tôi đã trải qua cả mùa đông với bộ đồ giữ nhiệt gần như dính chặt vào da.
Lớp quần áo bên trong mà tôi mặc hầu hết thuộc về dòng HeatTech của Uniqlo: áo, quần legging và tất đã trở thành những món đồ thiết yếu cho cư dân thành thị trong thời tiết lạnh.
Uniqlo tuyên bố các sản phẩm như "Extra Warm" và "Ultra Warm" - sử dụng "công nghệ sợi tiên tiến" để "hút hơi ẩm từ cơ thể và chuyển động năng thành nhiệt", điều mà hãng tự tin khẳng định là ấm đến mức "quần áo nhiều lớp đã trở thành quá khứ".
Một trong những chiến dịch quảng cáo tiêu biểu của công ty thể hiện hình ảnh người đàn ông mặc blazer mỏng bên ngoài áo phông và bước đi trong thời tiết 3 độ C ở trung tâm thành phố New York.
Với nhiệt độ lạnh giá cộng thêm chi phí nhiên liệu tăng vọt, HeatTech luôn là dòng sản phẩm bán chạy trên khắp thế giới. Tại các cửa hàng Uniqlo từ Manhattan đến Tokyo, các mặt hàng luôn hết sạch trên kệ từ cuối tháng 10.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2003, Uniqlo đã bán được hơn 1 tỷ sản phẩm HeatTech, tự hào so sánh số vải bán ra có thể "xếp dài 700.000 km, gấp 17,5 độ dài Trái đất". Uniqlo thậm chí còn bán HeatTech tại các máy bán hàng tự động ở sân bay.
Nhưng có bao nhiêu "phần trăm công nghệ" thực sự bên trong HeatTech và bao nhiêu phần trăm trong đó chỉ là cách giữ nhiệt kiểu cũ được khoác lên bằng những câu từ tiếp thị bóng bẩy?
Để tìm hiểu cách hoạt động của áo lót giữ nhiệt bên trong Uniqlo, tôi đã thảo luận với chuyên gia Drew Hansen, người thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời và từng trải nghiệm cảm giác sinh tử khi bị hạ thân nhiệt trong chuyến đi bộ đường dài hồi còn là thiếu niên.
Nguyên lý giữ nhiệt của ba lớp áo
Về cơ bản, lớp áo lót bên trong như áo giữ nhiệt của Uniqlo có nhiệm vụ riêng biệt trong hệ thống áo ba lớp mà mọi người thường mặc khi trời lạnh. "Lớp lót không được thiết kế để giữ ấm mà để ngăn hạ thân nhiệt. Nghe có vẻ giống nhau, nhưng sự thật chúng hoàn toàn khác nhau", Hansen cho biết.
Theo đó, công việc của lớp áo lót "chủ yếu là thấm hút: giúp thoát mồ hôi trên da và tỏa ra môi trường", để độ ẩm không cướp đi nhiệt trên cơ thể bạn.
Thứ thực sự giữ ấm cho bạn là lớp cách nhiệt: thường là chiếc áo được mặc bên ngoài áo lót (lớp thứ hai) để giữ cho không khí ấm do cơ thể tạo ra không thoát ra ngoài. Lớp thứ ba là lớp áo ngoài cùng, bảo vệ bạn khỏi các yếu tố bên ngoài.
Đây là lúc mà các tính năng công nghệ cao thực sự tạo ra sự khác biệt: Lớp áo bên ngoài tốt nhất thường được làm bằng vải "thoáng khí" như Gore-Tex, giúp ngăn gió và mưa lọt vào đồng thời giúp bạn thoát mồ hôi.
Trong khi đó, lớp áo lót trong cùng đôi khi dùng vật liệu rẻ tiền vẫn mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc, quan trọng là chọn đúng loại, Hansen nói.
Cotton làm lớp áo lót kém, khi hấp thụ nước và khô chậm, điều này buộc cơ thể bạn phải tỏa nhiều nhiệt hơn để làm cho nước bay hơi. Đó là lý do tại sao những người đi bộ đường dài trong thời tiết lạnh giá thường có câu: "Cotton là kẻ giết người".
Thay vào đó, những người đam mê hoạt động ngoài trời tin tưởng vào chất liệu tổng hợp như polyester giúp "thấm hút" hơi ẩm từ da đến bề mặt vải. Những người khác lại rất tin tưởng vào len, do len hút độ ẩm một cách tự nhiên vào các sợi và bay hơi: "Bạn sẽ không thể cảm nhận nó trên da", Hansen cho biết.
Quần áo Uniqlo giữ nhiệt thế nào?
Các hãng thời trang thường tuyên bố áo lót của họ có thể giữ nhiệt và thấm mồ hôi tốt hơn nhờ vào việc chi rất nhiều tiền cho nghiên cứu công nghệ mới. Nhưng HeatTech của Uniqlo vẫn đảm bảo điều đó bằng cách sử dụng hỗn hợp tổng hợp có giá rất rẻ.
Mỗi sản phẩm HeatTech đều được làm từ polyester để hút ẩm, trộn với các sợi micro-acrylic và rayon (một chất liệu làm từ xenlulo của cây) được kéo thành sợi có chiều rộng bằng 1/10 sợi tóc người.
Theo trang sản phẩm của HeatTech, "sợi 11 micron thu năng lượng của các hạt nước thoát ra khỏi cơ thể ở cấp độ nano và chuyển năng lượng này thành nhiệt".
Trái ngược với quan niệm thông thường về mặc áo ba lớp là cách giữ ấm tối ưu, Uniqlo tiếp thị HeatTech như một thứ bạn có thể mặc độc lập.
Theo đại diện của Uniqlo, kể từ khi ra mắt HeatTech vào năm 2003, họ đã hợp tác với gã khổng lồ kỹ thuật hóa học Toray của Nhật Bản để tạo ra các sợi HeatTech "thậm chí còn mịn hơn và đồng tâm hơn, cho phép tập trung các túi khí dày đặc giúp cải thiện chức năng giữ ấm".
Điều này dẫn đến sự mắt dòng HeatTech dày nhất và nặng nhất vào năm 2016, được gọi là cấp độ siêu ấm "Ultra Warm", mang lại "độ ấm cao hơn khoảng 2,25 lần so với HeatTech tiêu chuẩn… đồng thời giảm việc phải mặc nhiều áo cồng kềnh".
Chuyên gia Hansen cho rằng cam kết của HeatTech về khả năng giữ ấm cơ bản chỉ phù hợp với những người mặc thường ngày hoặc muốn giữ ấm trong nhà.
"Về mặt lý thuyết vật liệu tổng hợp thấm hút rất tốt nhưng sử dụng ngoài trời sẽ khó khăn, khi những thứ như HeatTech có thể sẽ giữ quá nhiều độ ẩm do vật liệu dày. Và nó thực sự không giúp làm bạn ấm hơn, bởi trong người bạn đang bị giữ lại độ ẩm. Cần một lớp áo khác chịu trách nhiệm cho điều đó", Hansen nhấn mạnh.
Tôi đã quyết định tự mình thử nghiệm khả năng thực sự của HeatTech. Trong điều kiện đi bộ đường dài giữa thời tiết mùa thu mát mẻ, nửa chặng đường đầu tôi mặc bộ đồ nhiều lớp truyền thống với áo lót polyester bên trong và áo sơ mi cotton cài cúc chắc chắn. Nửa chặng còn lại, tôi chỉ mặc một chiếc áo dài tay giữ nhiệt Uniqlo HeatTech.
Sự khác biệt rất dễ nhận thấy. Cả hai bộ trang phục đều giữ ấm như nhau. Nhưng tôi cảm thấy khô ráo và thoáng mát khi mặc trang phục nhiều lớp, trong khi HeatTech cảm thấy ngột ngạt và khiến vùng nách có cảm giác ẩm ướt. Tôi thấy nhẹ nhõm khi cởi bộ đồ HeatTech.
Trải nghiệm này dường như đã xác thực những gì chuyên gia Hansen đã nói. Giữ ấm không đến từ trang phục được quảng cáo về công nghệ tiên tiến mà là hiểu các nguyên tắc giữ ấm lâu đời được cha ông truyền lại.
Do đó, khi mua trang phục giữ ấm, nên cân nhắc về những gì mà thương hiệu nói thật thay vì những quảng cáo hấp dẫn không có nhiều cơ sở khoa học đằng sau.
Hansen cho biết một trong những thủ thuật yêu thích của anh để giữ ấm cơ thể mà không cần bất kỳ công nghệ đặc biệt nào đó là thay tất nhiều lần trong ngày.
"Bàn chân của bạn tạo ra nhiều độ ẩm hơn bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Vì hầu hết mọi người đều đi tất cotton nên tất có xu hướng giữ ẩm, khiến bạn bị mất nhiệt. Nhưng ngay cả những người đi bộ đường dài sử dụng tất len cũng phải thay chúng vài lần một ngày và nhất là trước khi đi ngủ".