Ảnh: Cắt từ video trong bài
Ben Pridmore là một kế toán người Anh, tuy nhiên ông đã 3 lần vô địch giải Vô địch Trí nhớ Thế giới các năm 2004, 2008 và 2009 cũng như là quán quân của cuộc thị Vô địch Trí nhớ Anh từ năm 2007 đến 2011 và 2013 hay của xứ Wales (từ 2009 đến 2012 và 2014).
Từ người kế toàn bình thường đến bậc thầy siêu trí nhớ thế giới
Ông cũng là người đã đánh bại kỷ lục nhớ một bộ bài xáo trộn của vận động viên trí nhớ người Đức Simon Reinhard năm 2010 khi chỉ mất 24.68 giây để hoàn thành. Ngoài ra ông còn là thành viên của Mensa (cộng đồng gồm những người có IQ cao nhất) với IQ là 159.
Bậc thầy trí nhớ Ben Pridmore tại cuộc thi Vô địch Trí nhớ Thế giới. Ảnh: Peatix
Ông được phong là Bậc thầy Trí nhớ (Grand Master of Memory - GMM), danh hiệu cao quý nhất dành cho những vận động viên trí nhớ khi tham dự cuộc thi Vô địch Trí nhớ Thế giới (World Memory Championship).
Những thành tích của ông không chỉ dừng lại ở lĩnh vực trí nhớ mà còn ở các cuộc thi thể thao trí tuệ khác như tính nhẩm hay chơi cờ Othello (Mental Calculation World Cup năm 2004, 2006 và 2010 hay Mind Sports Olympiad).
Dưới đây là phần biểu diễn ghi nhớ một bộ bài bị xáo trộn ngẫu nhiên trước mặt Ray Keene (người đồng sáng lập cuộc thi Vô địch Trí nhớ Thế giới với Tony Buzan - cha đẻ của Sơ đồ Tư Duy), kết quả là ông chỉ mất 24.68 giây để ghi nhớ chính xác toàn bộ thứ tự các lá bài.
Xem video:
Ben Pridmore nhớ một bộ bài trong khoảng thời gian chưa tới 25 giây
Bậc thầy trí nhớ thế giới chia sẻ phương pháp của mình
Theo các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực trí nhớ như Tony Buzan hay các nhà vô địch trí nhớ thế giới như Dominic O'Brien, Joshua Foer... thì trí nhớ của họ không phải là bẩm sinh mà hoàn toàn do nỗ lực tập luyện dựa trên các phương pháp, kỹ thuật cụ thể.
Thậm chí người đã 8 lần vô địch trí nhớ thế giới như Dominic O'Brien, cũng chia sẻ mình từng có trí nhớ không tốt và bị mắc chứng rối loạn tập trung rất nặng (đến nỗi phải sử dụng thuốc), tuy nhiên, việc luyện tập đã giúp ông thay đổi cuộc đời mình.
Ben Pridmore cũng không phải ngoại lệ, trong cuốn sách "How To Be Clever" của mình, ông đã chia sẻ toàn bộ bí mật giúp ông chiến thắng các cuộc thi thể thao trí tuệ, trong đó có phương pháp mà ông dùng để ghi nhớ nhanh 1 bộ bài như trên.
Xem video:
Ben Pridmore chia sẻ phương pháp ghi nhớ của mình
Thực ra mỗi nhà vô địch đều tự mình sáng tạo các hệ thống trí nhớ cho riêng bản thân mình như hệ thống Dominic của Dominic O'Brien, hệ thống Simon của Simon Reinhard hay hệ thống Ben của Ben Pridmore.
Hệ thống của Ben sử dụng gọi là C-V-C (consonant-vowel-consonant nghĩa là phụ âm - nguyên âm - phụ âm), theo đó ông sẽ mã hóa các cặp lá bài theo các chữ cái trong bảng chữ cái Latin.
Ben đã mã hóa hai lá bài bất kỳ tương ứng với ba chữ cái, (chất của chúng là 1 phụ âm, lá đầu là nguyên âm, lá hai là phụ âm), từ ba chữ cái này ông sẽ kết hợp lại thành một từ hoàn chỉnh để có một hình ảnh cụ thể.
Ví dụ 1: Với hai lá bài là 7 cơ và 4 rô, chữ cái đầu tiên sẽ là một phụ âm được tạo từ chất của hai lá bài (cơ/rô) sẽ là b, tiếp đến lá bài 7 sẽ là nguyên âm 'e' và lá bài 4 sẽ là 'r' (nhìn bảng dưới đây để hiểu rõ hơn cách Ben mã hóa).
Khi kết hợp hai lá sẽ thành một từ là "bEr", sau đó Ben sẽ chuyển nó thành một hình ảnh là beer (cốc bia). Các lá tiếp theo cũng sẽ được mã hóa tương tự như vậy, tóm lại tất cả các cặp lá bài đã được chuyển thành hình ảnh cụ thể.
Ví dụ 2: Nếu hai lá tiếp theo là Át cơ và 2 tép thì ta sẽ có các chữ cái f (cơ/tép) + a (Át) + n (2) = ‘fan’ (cái quạt). Nếu thứ tự ngược lại là lá hai trước rồi đến lá át cơ thì từ chúng ta có sẽ là n (tép/cơ) + e (2) + t (Át) = ‘net’ (tấm lưới).
Sẽ có tất cả 2704 hình ảnh khác nhau được tạo thành từ bảng mã này.
Bảng mã cho bộ bài của hệ thống Ben
Tiếp đến ông sẽ gán các hình ảnh này lên một hành trình quen thuộc như ngôi nhà, nơi làm việc, công viên... (ở đây Ben sử dụng ngôi trường cũ của mình). Hành trình này phải thật rõ ràng và quen thuộc với nhiều mốc (vị trí) đa dạng.
Mỗi vị trí trong hành trình sẽ được gán 3 hình ảnh (mỗi hình ảnh tương ứng 2 lá bài nên sẽ có 6 lá bài được nhớ), việc ghi nhớ sẽ sử dụng các kỹ thuật ghi nhớ thông qua trí tưởng tượng và sự liên tưởng.
Cuối cùng, ông sẽ đọc lại các lá bài bằng cách chuyển các hình ảnh mà ông hình dung trong tâm trí khi đi qua các vị trí trên hành trình (gọi là phương pháp Loci) theo một thứ tự đã định sẵn thành những lá bài.
Ông chia sẻ trong cuốn sách của mình rằng để có thể đạt tốc độ nhanh như kỷ lục mà mình đã xác lập thì bí quyết duy nhất chính là chăm chỉ luyện tập! Càng tập luyện nhiều thì sẽ bạn sẽ càng khiến việc ghi nhớ trở nên nhanh hơn.
Bài viết được dịch từ các nguồn: Artofmemory, memory-sports, sách "How To Be Clever"