Theo báo cáo trên chuyên san Astrophysical Journal Letters, thay vì một chu trình đơn giản bao gồm dòng chảy di chuyển từ xích đạo đến các cực gần bề mặt và sau đó quay về nơi xuất phát, dữ liệu thu thập được từ Đài quan sát Động lực học Mặt trời (SDO) của NASA cho thấy có sự lưu thông hai lớp bên trong ngôi sao trung tâm của chúng ta.
Space dẫn lời Philip Scherrer của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết: "Trong nhiều thập niên, con người cho rằng chu kỳ Mặt trời phụ thuộc vào dòng chảy đến các cực, làm thay đổi từ trường giữa các chu kỳ với nhau".
Trong lòng Mặt trời đang diễn ra vòng tuần hoàn đôi, với hai chu kỳ chồng lên nhau.
Ông Scherrer cho hay dự đoán dựa trên mô hình đó đã không cho kết quả chính xác như đã diễn ra trên thực tế, và nhờ vào dữ liệu thu thập trong vòng 2 năm của SDO, giới chuyên gia đã hiểu thêm được điều gì đang xảy ra dưới bề mặt nóng bỏng của Mặt trời.
Phát hiện mới có thể giúp cải thiện kết quả dự đoán về độ mạnh yếu của chu kỳ Mặt trời kế tiếp, đặc biệt quan trọng trong thời điểm chu kỳ đảo cực từ của mặt trời sẽ xảy ra trong vài tháng tới.
Trước đó, các nhà khoa học từng dự đoán Mặt trời có cấu trúc dạng phần tử hạt (hạt vật chất). Mỗi hạt vật chất này có thể lớn gấp 16 lần Trái đất.
Mặt trời, cũng giống như nhiều ngôi sao khác, có một lớp dẫn nhiệt từ lõi ra bề mặt. Quá trình dẫn nhiệt này tạo ra các "luồng Mặt trời", là các luồng hạt mang điện tích khổng lồ từ mặt trời. Từ nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học đã phát hiện ra các hạt được truyền dẫn trong các "luồng Mặt trời" này.
Cụ thể hơn, các nhà khoa học cho rằng có rất nhiều hạt vật chất cỡ nhỏ (lớn tương đương với bang Texas của Mỹ), chỉ tồn tại trong vòng 10 phút và cũng có nhiều hạt vật chất lớn hơn được gọi là các "siêu hạt" tồn tại trong vòng 1 ngày, có kích cỡ bằng 3 lần chiều rộng của Trái đất.
Phát hiện về các hạt nhỏ và các "siêu hạt" giúp các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng các phần tử này nằm trong một hệ thống nhiều cấp tạo nên các luồng Mặt trời, và do đó có thể tồn tại các hạt "khổng lồ", lớn hơn các siêu hạt rất nhiều.