Cồn cát dạng sao, hay còn gọi là cồn cát kim tự tháp, được đặt tên theo hình dạng độc nhất vô nhị của chúng và có độ cao lên tới hàng trăm mét. Loại cồn cát này được tìm thấy ở châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ, cũng như trên sao hỏa. Tuy nhiên, cho đến nay, các chuyên gia chưa đưa ra câu trả lời chắc chắn về thời gian hình thành của chúng.
Gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra một cồn cát tên là Lala Lallia ở Ma Rốc có tuổi đời lên tới 13.000 năm. Tên gọi Lala Lallia (dịch theo ngôn ngữ bản địa nghĩa là “điểm thiêng liêng nhất”) nằm trên sa mạc cát Erg Chebb ở phía Đông Nam Ma Rốc, cao khoảng 100 m so với các cồn cát xung quanh và rộng khoảng 700 m. Sau thời gian hình thành ban đầu, nó ngừng phát triển trong khoảng 8.000 năm, rồi tiếp tục mở rộng diện tích trong vài nghìn năm sau đó.
Theo các nhà khoa học, cồn cát dạng sao được hình thành khi những cơn gió ngược chiều đổi hướng. Giáo sư Geoff Duller của Đại học Aberystwyth cho biết, xác định niên đại của những cồn cát này giúp các nhà khoa học có thể phát triển nghiên cứu về thời tiết của niên đại đó.
Thông thường, tuổi đời của các sa mạc đều được ghi chép trong lịch sử địa chất của Trái đất, nhưng tuổi đời của các cồn cát sao vẫn vắng bóng cho đến ngày nay. Giáo sư Duller cho rằng điều này có thể là do kích thước của chúng quá lớn nên các chuyên gia không nhận ra rằng họ đang nhìn vào một cồn cát riêng biệt, thay vì một sa mạc rộng lớn.
“Những phát hiện mới về tuổi đời của những cồn cát này có thể sẽ khiến nhiều người kinh ngạc về cách thức hình thành của chúng. Chúng có thể di chuyển với vận tốc khoảng 50cm mỗi năm”, giáo sư Duller cho biết thêm.
Các nhà khoa học đã sử dụng một kỹ thuật gọi là xác định niên đại phát quang để xác định tuổi đời của cồn cát, dựa trên thời điểm các hạt cát được tiếp xúc lần cuối với ánh sáng ban ngày. Cát được chôn dưới lòng đất càng lâu thì càng tiếp xúc nhiều với chất phóng xạ và tích tụ nhiều năng lượng. Khi các hạt cát được phơi dưới ánh đèn đỏ trong phòng thí nghiệm, chúng giải phóng năng lượng ở dạng ánh sáng và các nhà khoa học có thể tính toán tuổi đời của chúng thông qua cường độ ánh sáng này.
Giáo sư Duller mô tả các hạt khoáng chất trong cát là “những cục pin nhỏ”. Giáo sư Duller cho biết: “Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi có thể thấy rõ ánh sáng từ những hạt cát này. Ánh sáng càng mạnh thì tuổi đời các hạt trầm tích càng lớn”.