"Giải cứu" người chết ở đất nước nghèo kiệt cùng thế giới

Ngọc Hương |

Sau thảm họa động đất năm 2010, Haiti, quốc gia nghèo nhất ở phía Tây bán cầu càng trở nên nghèo đói. Ngay tại Thủ đô của nước này, số người không thể lo cho chính mình một đám tang tối thiểu ngày càng tăng.

Một buổi sáng nắng như thiêu đốt, những người đàn ông đi găng tay trắng và mặc áo giải phẫu đi vào nhà tang lễ lớn nhất thành phố nằm trên đường Rue I’Enterrement để nhận những thi thể người chết bị bỏ rơi.

Bất chấp sự kiệt quệ ở Haiti, nhà tang lễ cung cấp dịch vụ có giá từ 1.100 USD, khoản tiền vượt xa thu nhập 2 USD/ ngày của phần lớn người dân Haiti.

Chính vì phần lớn người nghèo không thể trả những khoản phí đó, nên thi thể người chết buộc phải “chờ đợi” trong những chiếc quan tài ọp ẹp xếp chồng lên nhau trong nhà xác cho tới khi có người “giải cứu”.

“Họ không có một cơ hội nào cả”, Raphaël Louigene, người đứng đầu nhóm tang lễ của Quỹ St.Luke cho Haiti buồn bã nói, “Họ sống cả đời trong đau khổ và tiếp tục khổ đau ngay khi đã chết”.

Những người “dũng cảm và tử tế”

Quỹ St.Luke bắt đầu hoạt động năm 2000 để giúp đỡ những người nghèo nhất ở Haiti, được sáng lập bởi một linh mục và bác sĩ người Mỹ, Rick Frechette.

Bên cạnh việc hỗ trợ công tác giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất hoặc cứu trợ trong các tình huống khẩn cấp như trận động đất xảy ra năm 2010, trong gần một thập kỷ qua, họ đã bắt đầu công việc thu thập các thi thể bị bỏ rơi - do gia đình những người chết không thể trả nổi chi phí tang ma - để chôn cất trong một nghĩa trang xa xôi.

Không có những tấm bia đá cẩm thạch, nhưng St.Luke cố gắng để trao cho người chết chút phẩm giá cuối cùng với một tang lễ theo nghi thức, một cỗ quan tài đơn giản và một nấm mộ.

Raphaël Louigene là nhân viên xã hội trong khu ổ chuột tồi tệ nhất Haiti với công việc hàng ngày là giúp phụ nữ kiếm sống bằng việc kinh doanh nhỏ hay đơn giản chỉ là giúp họ lợp lại căn nhà dột. Song phần lớn thời gian anh muốn dành cho người chết và coi đây là một cách để kêu gọi công bằng xã hội.

Giống như hầu hết người Haiti, Louigene và các cộng sự đã quá quen thuộc với những cái chết bắt nguồn từ những căn bệnh chữa được tưởng như không thể là nguyên nhân gây chết người trong xã hội hiện đại: kiết lị, viêm phổi, suy dinh dưỡng, hay bệnh tả. Song đó là hiện thực kể từ sau thảm họa năm 2010 làm hơn 200.000 người thiệt mạng.

Dù có hàng tỷ USD tiền viện trợ, Haiti đã sớm quay trở lại với tình trạng kiệt quệ vì tham nhũng và đói nghèo với tỷ lệ thất nghiệp cao. 25% dân số Haiti đang đói kinh niên.

Tất cả thành viên trong đội tang lễ của Louigene đều lớn lên trong nghèo đói, nhiều người trong số họ là trẻ mồ côi. Họ nhìn thấy chính mình trong những thi thể mà họ chôn cất, nhất là bọn trẻ. Riêng trong tháng 9-2017, họ tìm được 14 đứa trẻ trong nhà xác.

Không có kệ, thi thể chúng được xếp chồng lên nhau. Một vài đứa vẫn còn quấn tã, một vài đứa khác tươm tất hơn, song đều trong tình trạng hết sức đáng thương. Louigene và nhóm của anh đã xếp chúng vào chung nhau trong 3 chiếc quan tài để tiết kiệm hết mức có thể, song còn vì một lý do khác: để chúng đỡ cô đơn.

Tất cả những đứa trẻ ấy sinh ra trong những gia đình khác nhau, song đều giống nhau ở một điểm là nghèo đói. Chúng cũng được cha mẹ yêu thương, nhưng họ không có đủ tiền để trang trải chi phí chữa bệnh, và đương nhiên, không đủ tiền để lo tang ma cho chúng. “Nhiều lúc tôi bật khóc”, Louigene nói, “Đó là chuyện xảy ra ở một đất nước không phát triển”.

Nhóm của Louigene làm công việc này khoảng 1 tháng/ lần, lần ít nhất cũng có tới 20 thi thể, còn nhiều nhất thì quá 100. Có nhiều lần số lượng người chết vượt quá năng lực của họ, song vào những dịp như Giáng sinh, họ đều cố gắng để không ai bị bỏ lại.

Giải cứu người chết ở đất nước nghèo kiệt cùng thế giới - Ảnh 1.

Một đám tang "nhà giàu", điều mà phần lớn người dân Haiti không dám mơ tới

Tận đáy đói nghèo

Một trong số những đứa trẻ được St.Luke chôn cất hồi tháng 6-2017 là Mackenley, cậu bé 10 tháng tuổi.

Cậu bé được đưa vào bệnh viện vài ngày vì có triệu chứng giống như bệnh tả, song qua đời trong ngày đầu tiên xuất viện. Mẹ của Mackenley, Verlande Delianne mới 20 tuổi và đã mất cả 2 đứa con sau 2 lần sinh nở. Ba năm trước, anh trai của Mackenley cũng chết khi chưa đầy 1 tuổi vì sốt cao.

“Tôi không biết thằng bé bị làm sao”, Delianne nói, “Nó vẫn khỏe mạnh và đáng yêu. Nó đã có thể bám vào tường để đi vài bước”.

Việc duy nhất vợ chồng Delianne có thể làm sau khi Mackenley chết là bọc thi thể thằng bé bằng một tấm khăn, sau đó thuê xe ôm đến nhà tang lễ. Họ hy vọng có thể thuê làm một tang lễ nhỏ cho thằng bé, song khả năng tài chính không cho phép. Delianne mới mất chân bán hàng ở một hiệu trang sức, còn chồng cô kiếm được tối đa 56USD/tuần.

Cả nhà sống cùng người chị gái trong khu ổ chuột Martissant, không có nước và điện phập phù, toilet dùng chung. Một tuần sau khi đưa bé Mackenley đến nhà xác, vợ chồng Delinanne vẫn chưa kiếm được đủ tiền. Cuối cùng, Delianne được mách cho việc xin trợ giúp từ St.Luke.

Dù đã quen với công việc này, nhưng mỗi lần thu lượm thi thể lại khiến những thành viên trong nhóm của Louigene bị ám ảnh khá lâu.

Hai tuần trước, họ tìm thấy xác một cô gái ở một góc phố đầy rác rưởi. Cô chết cách đó chừng 3 ngày với các dấu hiệu cho thấy cô đã bị hãm hiếp nhiều lần.

Louigene sau đó đã thông báo trên đài phát thanh của địa phương về việc St.Luke đang trông nom thi thể để gia đình cô gái có thể đến tiếp nhận, song không có ai đến.

Hy vọng hồi sinh từ những hoang tàn

Mỗi lần như vậy, Louigene lại nhớ đến tuổi thơ cơ cực của mình. Sống trong khu ổ chuột ở Pele Simon, nơi không có điện và nước, hàng ngày Louigene phải ngủ dưới sàn nhà bẩn thỉu bên dưới chiếc giường duy nhất trong nhà. Có những ngày quá đói, anh đã phải uống nước cho đầy bụng.

12 tuổi, Louigene chứng kiến vô số tội phạm xảy ra xung quanh mình, bao gồm cả giết người, cũng vì cuộc sống quá đói nghèo. Anh buộc phải bỏ học năm 16 tuổi vì người mẹ bệnh tật không thể tiếp tục buôn bán ở chợ.

Cuộc đời Louigene thay đổi khi anh được nhận vào làm ở phòng khám y tế truyền giáo địa phương, với công việc đầu tiên là làm vệ sinh và chăm sóc bệnh nhân HIV và bệnh lao.

Đó là nơi ông gặp linh mục Frechette. Cha Frechette nhận thấy sự khao khát của Louigene trong việc giúp đỡ người khác và học hỏi, nhưng điều gây ấn tượng nhất cho vị bác sĩ là lòng trắc ẩn của Louigene. Đó chính là điều kết nối Louigene và St.Luke.

“Bây giờ tôi đã không còn bất lực trong việc ngăn những điều xấu xảy ra với mọi người”, Louigene nói, “Tôi có thể giúp đỡ rất nhiều người khác nữa”.

Trụ sở chính của St.Luke nằm ở ngoại ô Tabarre, giống như một ốc đảo xanh trong thành phố đầy bụi bặm và đau khổ. Nó được đặt ngay trong Bệnh viện Nhi khoa St. Damien, nơi trẻ em được chăm sóc với các phương pháp tiên tiến và chi phí cực rẻ, chỉ 15USD/tuần.

Linh mục Rick Frechette là người sáng lập bệnh viện. Ông cũng xây dựng một bệnh viện dành cho người lớn ở gần đó, một trường học dành cho trẻ em khuyết tật và một loạt các doanh nghiệp xã hội khác.

Cha Frechette lớn lên trong một gia đình tầng lớp trung lưu ở West Hartford, Connecticut và gia nhập hội truyền giáo địa phương ở tuổi 20. Nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của ông là đến Mexico, nơi ông làm việc tại một trại mồ côi, sau đó là Honduras. Ông đến Haiti vào năm 1987, một năm sau khi chế độ độc tài cuối cùng bị lật đổ.

Tại đây, ông đã mua khách sạn cũ và biến nó thành một bệnh viện từ thiện dành cho trẻ em khi nhận thấy trẻ em dưới 5 tuổi ở Haiti chết vì bệnh tật nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác. Tới khi St.Luke ra đời, Rick Frechette tiếp tục xây thêm nhiều trường học, hy vọng phần nào giảm bớt những đau khổ mà người dân Haiti đang đối mặt.

http://anninhthudo.vn/the-gioi/giai-cuu-nguoi-chet-o-dat-nuoc-ngheo-kiet-cung-the-gioi/753833.antd

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại