Hôm 2/7 vừa qua, các lực lượng hải quân và cứu hộ của Thái Lan đã tiếp cận thành công 12 cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng địa phương bị mắc kẹt trong hang Tham Luang Nang Non thuộc tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan từ ngày 23/6, tất cả đều sống sót và an toàn.
Cuộc giải cứu đội bóng mất tích đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Thái Lan trong những ngày qua. Tuy điều kiện thời tiết và địa hình đã gây không ít trở ngại cho đội cứu hộ, nhưng tất cả đều cầu nguyện 13 người mắc kẹt trong hang sẽ bình an.
Theo thông tin mới nhận từ hiện trường, các nhân viên y tế đã tới vị trí của đội bóng và kiểm tra sức khỏe của từng người.
"Trong cấp cứu có 3 mức độ đỏ, vàng và xanh - trong đó mức đỏ là nghiêm trọng nhất, còn xanh là nhẹ nhất - thì hầu hết các thành viên trong đội bóng đều được xếp vào mức 'xanh'", Chủ tịch tỉnh Chiang Rai Narongsak Osottanakorn trả lời các phóng viên.
Ông Narongsak cho biết, các nhân viên y tế tại hiện trường sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của đội bóng nhí và huấn luyện viên gặp nạn, tuy nhiên ông cũng khẳng định trước mắt họ vẫn phải ở lại trong hang cho đến khi tình trạng ổn định hơn.
Tuy vậy, việc tiếp cận đội bóng trong hang mới chỉ là giai đoạn đầu của công tác cứu hộ. Theo anh Tim Newton, phóng viên CNN tại Phuket, Thái Lan, giai đoạn tiếp theo sẽ còn khó khăn và mất nhiều thời gian hơn nữa, bởi lượng mưa lớn bất thường khiến mực nước trong hang liên tục dâng cao.
Hơn nữa, dù sống sót, nhưng 13 người trong hang - gồm 12 thiếu niên và 1 huấn luyện viên - đều đang trong tình trạng sức khỏe rất yếu do đã nhịn ăn hơn 10 ngày.
"Họ [lực lượng cứu hộ] đã tính đến chuyện đưa đội bóng ra ngoài sớm nhất có thể, tuy nhiên điều quan trọng nhất hiện nay là ổn định sức khỏe của họ", anh Tim cho biết.
Pat Moret, người tư vấn cứu hộ, cũng cho rằng đội bóng sẽ cần được khám và điều trị kĩ lưỡng trước khi di chuyển ra ngoài hang: "Họ sẽ cần được truyền nước và có thể là cả truyền thức ăn lỏng. Họ cũng sẽ cần ổn định lại thân nhiệt. Việc họ nằm bất động liên tục trong nhiều ngày sẽ khiến các cơ quan cảm nhận không thể hoạt động như bình thường".
Công tác cứu hộ có thể kéo dài hàng tháng
Theo phân tích của các chuyên gia, đội bóng có thể thoát ra ngoài qua một số con đường: lặn theo lối ra cửa hang, thoát ra theo khe núi nhân tạo do đội cứu hộ mới khoan, hoặc chờ nước rút hẳn. Tuy nhiên cả 3 cách này đều không hề dễ dàng.
Ông Peter Wolf, Giám đốc của tổ chức Cave Divers Association tại Australia, cho biết phương án tốt nhất và an toàn nhất hiện nay là chờ đợi đến khi đội bóng hoàn toàn ổn định trong môi trường hiện tại, trước khi quyết định di chuyển họ.
"Họ cần giữ cơ thể ấm áp và khô ráo và ổn định thân nhiệt trong môi trường này. Ngoài ra, họ cũng cần được cung cấp thức ăn, nước uống sạch, và không khí trong lành", ông Wolf cho biết.
Theo ông này, đội cứu hộ không nên vội vã đưa đội bóng ra ngoài ngay, bởi họ không biết bơi và thể trạng hiện tại vẫn rất yếu.
The Guardian trích dẫn nguồn địa phương cho biết, quân đội Thái Lan sẽ chuyển các gói nhu yếu phẩm đủ dùng cho 4 tháng tới vị trí hiện nay của đội bóng, đề phòng trường hợp công tác cứu hộ sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Trong thời gian chờ đợi, đội bóng cũng sẽ được học kĩ thuật lặn để chuẩn bị thoát ra khỏi hang.
Ngoài ra, việc bơm nước ra khỏi hang cũng sẽ được tiếp tục tiến hành để đẩy nhanh quá trình cứu hộ, Đại úy Anand Surawan cho biết.
"Nhiệm vụ này tưởng chừng là điều bất khả thi, bởi ngày nào cũng có mưa lớn [khiến mực nước dâng cao]... nhưng với quyết tâm, chúng tôi đã và đang chống lại thiên nhiên [để giải cứu người bị nạn], Chủ tịch tỉnh Chiang Rai Narongsak Osottanakorn tuyên bố.
Khoảnh khắc đội cứu hộ tiếp cận thành công đội bóng mắc kẹt trong hang sâu tại Thái Lan