Có sẵn ý niệm bảo vệ môi trường, cậu thanh niên 20 tuổi Ross Hendron khi ấy quyết tâm cứu rỗi hành tinh vốn đang bị ô nhiễm, theo Financial Times. Cựu nghiên cứu sinh khoa học thực vật trường Oxford này đã khởi nghiệp, với tham vọng tạo ra một điều gì đó khác biệt cho hệ sinh thái.
Ước mơ của anh thành hình dưới ánh đèn tím từ phòng thí nghiệm ngoài ngoại ô, nơi cây lúa mì biến đổi gen đang được nghiên cứu và sắp đưa vào thử nghiệm. Ý tưởng cho startup Wild Bioscience ra đời từ bộ môn toán học và sinh học phân tử, xác định rõ các gen riêng lẻ trong lúa mì, sau đó kích hoạt cho ra giống mới phát triển nhanh và cần ít nước, chất dinh dưỡng hơn.
“Nông dân là những người ở tuyến đầu biến đổi khí hậu. Vậy nên, chúng tôi cung cấp cho họ công cụ để nuôi sống 8 tỷ người trên hành tinh một cách bền vững nhất”, Ross Hendron nói.
Wild Bioscience, được tạo ra bởi 12 triệu bảng Anh vốn huy động vào tháng 8/2021, chỉ là một trong số hàng trăm công ty công nghệ sinh học và khoa học đời sống ra đời từ cơ sở hàn lâm hùng mạnh. Đó chính xác là nơi chính phủ Anh đặt kỳ vọng, rằng một ngày nào đó, những startup có thể giúp nước này trở thành “siêu cường khoa học” được công nhận trên toàn cầu.
Nằm trong số những trụ cột chính trong chính sách tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Jeremy Hunt, tham vọng này được ví như “sứ mệnh” lớn lao của chính phủ khi muốn biến nước Anh từ một “cường quốc học thuật” trở thành “siêu cường khoa học”, theo George Freeman, Bộ trưởng Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Anh.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đang được đặt ra xoay quanh quy định và các vấn đề tài chính, rằng liệu nước này có thể hiện thực hóa một tham vọng quá lớn lao.
“Vương quốc Anh rất giỏi trong việc xây dựng doanh nghiệp”, Alexis Dormandy, một nhà đầu tư khởi nghiệp kiêm cựu Giám đốc điều hành Oxford Science Enterprises, nói. “Tuy nhiên, thắc mắc đang được đặt ra, là liệu nước này có thể xây dựng cả một ngành công nghiệp?”.
Theo Sir John Bell, giáo sư thuộc đại học Oxford, Vương quốc Anh chưa làm đủ nhiều để nắm bắt cơ hội. Được biết, ông Bell là người hỗ trợ quá trình phát triển vaccine AstraZeneca kiêm tác giả chiến lược công nghiệp khoa học đời sống năm 2017.
“Hầu hết các sản phẩm mới chỉ ở thời kỳ đầu phát triển. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta chưa thể đạt đến level như Boston hay San Francisco?”, ông Bell nói khi đề cập đến các trung tâm khoa học đời sống khổng lồ của Mỹ. “Nếu cộng tất cả các công ty ở Oxford, Cambridge và London, số lượng có thể gần bằng Boston. Tuy nhiên, khi xét về vốn hóa thị trường, chúng chỉ đóng góp một phần nhỏ”.
Thách thức trong việc biến các startup nhỏ trở thành những “kỳ lân” trị giá hàng tỷ USD là rất khó bởi đòi hỏi dòng vốn đầu tư dài hạn, khả năng tiếp cận nhân tài và chất lượng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như phòng thí nghiệm, nơi đào tạo… Dormandy cho biết hiện tại, có quá nhiều công ty khởi nghiệp sụp đổ ngay cả khi họ bắt đầu có doanh thu để chứng minh tiềm năng.
“Thường chúng sẽ được mua lại với giá hàng trăm triệu USD bởi các công ty tại Mỹ và Châu Á. Các đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm nhận séc, còn họ cùng nhau ăn mừng. Tuy nhiên, đó chính xác là thời điểm chúng ta cần đặt ra câu hỏi, rằng làm thế nào để xây dựng được những công ty trị giá hàng tỷ USD”, Giám đốc điều hành Sở giao dịch chứng khoán London Julia Hoggett nói. “Chúng tôi có rất nhiều động lực khởi nghiệp nhưng lại không chịu chạy động cơ”.
Bất chấp “cơn gió ngược” ảm đạm, nước Anh vẫn kiên định với tham vọng biến nước này trở thành “siêu cường khoa học”. Các bộ trưởng hồi năm ngoái đã được yêu cầu đưa ra các chiến lược về khoa học và đổi mới. Nhiều người cũng bày tỏ nỗi thất vọng, rằng chính phủ thiếu chính sách cụ thể và thường nói giỏi hơn làm.
Trước đó, cựu Thủ tướng Anh Vladimir Johnson nhiều lần nhấn mạnh khoa học đời sống là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế hậu Brexit. Theo dữ liệu của chính phủ, ngành này đã tuyển dụng 268.000 nhân sự phục vụ trên 6.330 doanh nghiệp, đồng thời tạo ra doanh thu 88,9 tỷ bảng Anh vào năm 2020. 80% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy, chiến lược mở rộng quy mô toàn ngành là vô cùng quan trọng, ngay cả khi các công ty dược phẩm lớn trên toàn cầu có trụ sở tại Anh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nếu xét về doanh thu và lượng nhân lực.
Jonathan Symonds, Chủ tịch của GSK, đã hỗ trợ quá trình xây dựng chiến lược khoa học đời sống của chính phủ vào năm ngoái. Trọng tâm là tạo ra một môi trường kinh doanh nơi các công ty có thể tiếp cận nguồn tài chính phục vụ quá trình đổi mới và phát triển.
Symonds, đồng Chủ tịch, cho biết Vương quốc Anh cần tập trung mở rộng quy mô vốn để giúp các công ty khởi nghiệp đạt mức tăng trưởng cần thiết. Đây cũng chính là cách giúp họ tồn tại và phát triển tại Anh.
Gordon Sanghera, Giám đốc điều hành Oxford Nanopore Technologies, một doanh nghiệp niêm yết tại London trị giá 2 tỷ bảng Anh có công nghệ giải trình tự DNA cho biết, áp lực bán mình của các công ty mới thành lập là rất lớn.
Thương vụ bán công ty giải trình tự gen Solexa có trụ sở tại Cambridge cho công ty Illumina của Mỹ vào năm 2007 với giá 600 triệu USD là một ví dụ điển hình. Thời điểm đó, đây được coi là thắng lợi lớn cho toàn ngành, song đối với Sanghera và Giám đốc công nghệ Clive Brown, thương vụ chẳng khác nào một sự thất bại.
“Một công ty được đề nghị mua lại với giá 500 triệu bảng Anh bởi một công ty Mỹ và ai nấy đều ăn mừng. Tại sao chúng ta không nói 'không', đi tìm những nhân tài hàng đầu khác và biến nó trở thành một công ty trị giá 5 tỷ bảng Anh”, Sanghera nói.
Dẫu vậy, Sanghera buộc phải thừa nhận rằng điều đó không hề dễ dàng và ví đây giống như việc “băng qua sa mạc”. Rất dễ dàng để huy động vốn thời kỳ đầu song đảm bảo vận hành trơn tru sau đó lại là một chuyện khác.
Theo FT, hầu hết tiền đầu tư mạo hiểm tại Mỹ, Canada và Australia đều sẵn sàng đặt cược vào các công ty khởi nghiệp, song các nhà đầu tư tại Anh lại không chấp nhận rủi ro ở giai đoạn đầu.
“Gần như 100% vốn đầu tư mạo hiểm đến từ Mỹ. Điều đó có nghĩa là các quyết định lớn sau đó được dẫn dắt bởi người Mỹ”, Symonds cho biết.
Theo FT, chính phủ Vương quốc Anh cam kết tăng ngân sách cho R&D lên 22 tỷ bảng (gần 30 tỷ USD) mỗi năm trong giai đoạn 2024-2025, trong đó phần lớn dành cho lĩnh vực khoa học đời sống. Vào năm 2021, các bộ trưởng cũng chấp thuận thỏa thuận đầu tư dài hạn của công ty Mubadala, Abu Dhabi, với cam kết đầu tư 800 triệu bảng vào lĩnh vực khoa học đời sống trong vòng 5 năm.
“Rất nhiều công ty tuyệt vời đang ở đây. Lĩnh vực này đang phát triển. Chúng ta nên tiếp cận nó. Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng một khuôn viên khoa học đời sống quan trọng tại Canary Wharf”, Shobi Khan, Giám đốc điều hành Canary Wharf Group nói, đồng thời cam kết xây dựng một phòng thí nghiệm lớn nhất châu Âu tại khu đất phía đông London.
Còn với chàng trai trẻ Hendron, anh mong muốn có thể ở lại Vương quốc Anh và phát triển một doanh nghiệp có khả năng tạo ra nhiều sự khác biệt. Được biết, startup Wild Bioscience được thành lập trong cụm công nghệ nông nghiệp Bỉ xung quanh Viện Công nghệ sinh học Flanders - hệ sinh thái thu hút những người giỏi nhất thế giới. Hendron quyết định ở lại Vương quốc Anh, mang nhân tài từ VIB và Mỹ về Wild Bioscience để phát triển gen lúa mới.
Không biết liệu Wild Bioscience có vượt qua được “sa mạc”, khi mà rất nhiều công ty khởi nghiệp tham vọng đã chết chìm. Dẫu vậy, với giáo sư Bell, những công ty tiềm năng như Wild Bioscience vẫn có thể tạo ra sự khác biệt.
Theo: Financial Times