"Dừng chân làm gì đó cho riêng mình" và viết nên câu chuyện Dừa Cười
Phạm Thị Vân, sinh năm 1986, trong một gia đình thuần nông ở Phố Hiến, Hưng Yên. Theo chia sẻ của Vân, vì nhà làm nông nên không được đi biển như các bạn cùng lớp. Từ nhỏ, Vân nuôi ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch, để được đi khắp nơi.
Thi rớt đại học năm đầu tiên, Vân vừa đi làm vừa giấu gia đình ôn thi lại. Năm sau, Vân đậu Đại học Văn Hóa khoa Du lịch và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình.
Ngoài giờ học, Vân tranh thủ học thêm ĐH ngoại ngữ Hà Nội vào buổi tối, làm gia sư, làm tổng đài tư vấn học sinh Olympia, đi thực tập tour…Những lúc có thời gian rảnh, Vân tìm đến thư viện đọc sách về văn hóa, lịch sử, địa lý, ghi nhận những nơi mình muốn đến, những món mình sẽ thưởng thức và những điều muốn làm.
Ra trường, Phạm Thị Vân lấy thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và được nhận vào các công ty du lịch hàng đầu.
May mắn được làm du lịch trong thời buổi du lịch phát triển, có cơ hội qua nước ngoài đôi ba lần một tháng, Vân hay mang bánh trái đặc trưng của quê hương làm quà tặng bạn bè.
Chia sẻ trên facebook cá nhân Vân viết: "Tớ thấy vui nhưng cũng đau đáu làm sao sản phẩm của mình không có mặt chính thức ở các siêu thị của nước bạn? Tớ chọn những tour thương mại, hội nghị, tiếp xúc với nhiều doanh nhân, nhà nhập khẩu của nước bạn để tìm hiểu dần".
Nhân một lần uống trái dừa bật nắp có giá lên đến 5 AUD tại ÚC mà không ngon bằng "dừa xứ mình", Vân quyết tâm viết lại câu chuyện mới về dừa.
Gần 10 năm làm tourguide, tích lũy kiến thức và trải nghiệm qua 36 quốc gia, Vân chính thức "dừng chân làm gì đó cho riêng mình" mặc dù sự nghiệp đang thăng tiến.
Sau nhiều thất bại do "hùn hạp làm ăn", Vân tìm đến Bến Tre để nghiên cứu và phát triển thương hiệu sản phẩm Dừa Cười –CôcôSmile. Đây là trái dừa Xiêm tươi của Bến Tre được gọt sạch sẽ, gắn nắp khoen và khắc hình miệng cười nhỏ xinh, với mong muốn mang lại cho khách hàng món đồ uống tinh khiết từ thiên nhiên trong cuộc sống hiện đại.
Theo Vân, ý tưởng kinh doanh dừa này đã được một anh chàng người Thái Lan làm từ năm 2015 và "bán ầm ầm trên thế giới". Với tâm thế người đi sau, Vân muốn đem lại trải nghiệm khác biệt và tốt hơn. Thị trường dừa vốn dĩ rất tiềm năng, mỗi ngày có thể tiêu thụ mấy trăm nghìn trái.
Khởi đầu, Vân xuống tận tỉnh Bến Tre tìm hiểu câu chuyện của những người nông dân trồng dừa lâu năm và thử hầu hết các loại dừa để chọn ra vùng nguyên liệu thuộc 11 xã của hai huyện Giồng Trôm và Châu Thành.
Vân kể lại : "Theo thói quen, mọi người không quan trọng dừa non hay già, cứ thấy quầy là chặt xuống. Chỉ có người hái dừa kinh nghiệm mới biết tới độ nào dừa cho nước ngon nhất nên thời kỳ đầu khá khó khăn, 1.000 trái dừa đôi khi chỉ thu được 500-600 trái".
Vân không mua dừa đại trà mà chọn lựa những loại dừa có độ ngọt đúng quy chuẩn, nếu như độ BRIX (độ ngọt) để xuất khẩu là 7 thì Vân luôn chọn độ ngọt ở mức 7,5 trở lên. Sau khi phổ biến tiêu chuẩn, dần dần các đối tác cung cấp bắt đầu hiểu và vận dụng. Việc cung ứng dừa cho CôcôSmile được trả giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường do đáp ứng được tiêu chuẩn.
Dừa xiêm được thu mua về sẽ trải qua công đoạn sơ chế, đóng nắp, khắc biểu tượng mặt cười. Từ kinh nghiệm hợp tác thất bại trong quá khứ, Vân đi nhiều nước để xem họ áp dụng công nghệ và học cách tối ưu hóa quy trình của mình. Nếu như trước đây, bốn máy vận hành có công suất 800 trái/ngày thì hiện tại hai nhân công vận hành một máy có thể thực hiện công suất 4.000 trái/ngày.
Phạm Thị Vân
Dừa Cười đi muôn nơi
Thời điểm gần cuối năm 2018, Phạm Thị Vân thống kê CôcôSmile bán được 1.000 – 2.000 trái dừa/ngày. Trong nước, chi nhánh của CôcôSmile có mặt ở Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM. Đồng thời, doanh nghiệp cũng xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Singapore, HongKong, Mỹ.
Sản phẩm Dừa Cười được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt vì không chỉ nhìn vui mắt, tiện dụng mà nước dừa cực ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp và làm nông sản xuất khẩu chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với một cô hướng dẫn viên du lịch.
Phạm Thị Vân từng bày tỏ trên facebook rằng Thái Lan có gần 200 sản phẩm về dừa và họ đang đi trước chúng ta về công nghệ chế biến thực phẩm. Với quan điểm thực tế: "Sáng tạo được thì tốt không thì copy cũng có sao", Vân muốn "bắt chước" nhiều sản phẩm khác nữa để nâng cao giá trị trái dừa của Bến Tre.
"Bằng sức trẻ, bằng kiến thức và lòng say mê tớ tin là tụi mình sẽ làm được nhiều thứ ở đây. Thị trường còn rộng, mỗi người có đam mê sẽ gửi gắm cái tâm của mình vào trong từng sản phẩm, và khách hàng sẽ cảm nhận được", Vân nói.
Mỗi ngày, thông qua facebook cá nhân của mình, Vân tự quảng bá về sản phẩm và triển vọng của thương hiệu thông qua các câu chuyện trên dòng thời gian. Ý tưởng cũng như bài viết của Phạm Vân tạo tác động tích cực và nhận được sự đồng thuận lớn trong cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là những người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp.