Giấc mơ có thật: Lãi suất cho vay đã thấp hơn lãi suất huy động

Một loạt ngân hàng đã công bố hạ lãi suất cho vay, thậm chí cho vay với khung lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động. Với chính sách hỗ trợ này, các ngân hàng sẽ phải hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ các doanh nghiệp và người đi vay.

Lãi suất cho vay đã về mức 5 - 6%/năm

Vào thời điểm đầu năm nay, hiện tượng các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất đầu vào tăng khiến các doanh nghiệp và người dân lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng lên.

Rất may đến thời điểm hiện tại, điều này đã không xảy ra!

Tại nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 vừa ban hành, Chính phủ chính thức nêu cụ thể yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, ngày 29/4, tại hội nghị với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cùng nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ngay sau hội nghị trên, nhiều ngân hàng thương mại công bố chính sách giảm lãi suất.

Theo báo cáo của NHNN vào thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 5-6%/năm.

Như vậy, đối tượng khách hàng trên đã được tiếp cận với mức lãi suất ưu đãi còn phía ngân hàng sẽ phải cho vay đầu ra thấp hơn cả lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài.

Ngân hàng "nhịn miệng đãi khách"

Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà đánh giá, hiện mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường ở mức 7-11%/năm – là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua.

Trong khi giá vốn đang ở mức khoảng 7,8%, thì mức chênh lệch ròng của các ngân hàng hiện rất thấp, chỉ khoảng 0,7% so với các nước trong khu vực là từ 2,2 – 2,5%.

Trong khi đó, mức lãi suất cho vay là 8,5% bình quân, cho thấy lãi cho vay DN rất thấp.

“Nhiều người cho rằng việc giảm tiếp lãi suất cho vay là khó, tuy nhiên, theo tôi là có thể làm được và mức giảm có thể là 0,5-1%/năm”- ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.

Để thực hiện được điều này, nhiều ngân hàng sẽ phải “chịu thiệt” giảm lợi nhuận để giảm lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp.

Theo BIDV, lợi nhuận năm nay có thể giảm 400-500 tỷ đồng nếu lãi suất cho vay đồng loạt giảm.

Và BIDV xem xét mức giảm lãi suất tối đa là 1% và chỉ khi NHNN hỗ trợ NHTM bằng việc nới lỏng các yêu cầu chẳng hạn như tỷ lệ dự trự bắt buộc.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, những ông lớn ngân hàng đang cố gắng thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, nhưng các ngân hàng cỡ trung và nhỏ, vẫn đang nỗ lực tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng ăn mòn lớn lợi nhuận nên việc giảm lãi suất gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy các ngân hàng này đã kiến nghị NHNN có thể hoãn áp dụng quy định mới để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định với mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 18-20% cộng với yêu cầu giảm lãi suất cho vay bình quân thì có vẻ quy định áp dụng Basel 2 và nội dung dự thảo sửa đổi thông tư 36 về các hệ số an toàn tài chính có thể sẽ chưa được áp dụng ngay.

Ngoài ra, hàng loạt biện pháp cần phải thực hiện nếu muốn thực hiện chính sách giảm lãi suất thành công như Chính phủ phải chỉ đạo phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa tốt hơn, cùng với đó là động thái xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém còn lại nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất huy động vốn không lành mạnh khiến mặt bằng lãi suất cho vay chịu áp lực tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại