Tờ Bloomberg đưa tin với mức giá hiện nay, ngay cả chiếc xe máy tiết kiệm nhiên liệu nhất cũng tiêu tốn hơn 100 rupee tiền xăng (khoảng 30.000 đồng) cho quãng đường 100km, trong khi một chiếc xe máy điện có thể chạy quãng đường tương tự với chi phí chưa bằng 1/6.
Các công ty như Hero Electric Vehicles và Ola Electric Mobility – nhà cung cấp dịch vụ gọi xe lớn nhất của Ấn Độ - đang tung ra những mẫu xe máy điện mới có giá khoảng 1.000 USD, gần bằng giá của xe máy chạy bằng xăng đắt hàng nhất nước này.
Hãng Ola ra mắt xe máy điện hồi tháng 8. Ảnh: Bloomberg
Với việc xe hai bánh chiếm 80% doanh số bán xe ở quốc gia nơi hệ thống giao thông công cộng còn thiếu thốn và xe ô tô còn nằm ngoài tầm với của đa số người dân, tiềm năng tăng trưởng trong phân khúc xe điện là rất lớn. Bloomberg kỳ vọng xe máy điện sẽ chiếm 74% trong tổng số các phương tiện hai bánh được bán ra vào năm 2040, tăng ngoạn mục từ mức dưới 1% hiện nay.
Tuyên bố bất ngờ của Thủ tướng Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 rằng Ấn Độ - nước thải carbon lớn thứ ba trên thế giới - sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho nỗ lực chuyển đổi loại hình phương tiện.
Ông Varun Dubey, Giám đốc tiếp thị của Ola Electric cho biết: “Không thể phủ nhận một thực tế rằng việc chuyển sang năng lượng điện là điều không thể tránh khỏi đối với xe hai bánh.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những rào cản lớn, chẳng hạn như việc thiếu cơ sở hạ tầng để nạp điện trên toàn quốc. Tiền trợ cấp để người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện - 15.000 rupee mỗi kilowatt giờ - được đo lường theo tiêu chuẩn toàn cầu cũng là một vấn đề quan trọng. Ấn Độ cũng chưa áp dụng đặc quyền như ở Trung Quốc, nơi xe máy điện có thể sử dụng làn đường dành cho xe đạp.
Mục tiêu phát thải của Ấn Độ sẽ cần hàng nghìn tỷ USD đầu tư và Chính phủ của ông Narendra Modi chưa có kế hoạch chi tiết về dự định gây quỹ như thế nào, ngoại trừ việc nói rằng các quốc gia giàu có phải hành động nhiều hơn nữa.
Điểm mặt các rào cản
Ấn Độ quan tâm đến việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, ngay cả khi vấn đề chủ yếu là do carbon dioxide tích tụ trong khí quyển của các quốc gia phát triển công nghiệp đầu tiên. Quốc gia 1,3 tỷ dân này là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng và lũ lụt. Mùa mưa bị gián đoạn đang tác động lớn đến nông nghiệp.
Người đi xe máy xếp hàng đổ xăng tại Bengaluru, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg
Lực lượng xe hai bánh khổng lồ của Ấn Độ được coi là mục tiêu dễ đạt được trong nỗ lực giảm lượng khí thải: mức tiêu thụ xăng để chạy phương tiện giao thông cá nhân đã tăng hơn hai lần trong một thập kỷ tính đến tháng 3/2020. Nhiên liệu động cơ là loại dầu được tiêu thụ nhiều thứ hai ở Ấn Độ, chiếm gần 15% nhu cầu về dầu.
Hai nhà sản xuất xe máy chạy xăng hàng đầu của đất nước này cũng đang khởi xướng phong trào “điện hoá”. Bajaj Auto đã ra mắt xe máy điện năm ngoái, trong khi Hero MotoCorp sẽ ra mắt chiếc xe điện đầu tiên vào tháng 3.
Lĩnh vực này được dẫn đầu bởi Hero Electric khi bán được 54.000 chiếc xe máy điện trong một năm kết thúc vào tháng 3/2021, chiếm hơn một phần ba tổng số xe hai bánh chạy bằng điện được mua trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, đó là một phần nhỏ so với hơn 15 triệu chiếc chạy bằng xăng được bán ra.
Các mẫu xe điện mới hơn được phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu về di chuyển xa và thời lượng pin. Ola đang xuất xưởng mẫu xe trang bị bộ sạc có thể cắm tại nhà, trong khi Hero có pin mô-đun có thể tháo rời.
Một số xe cải tiến có thể chạy quãng đường lên đến 210km cho một lần sạc đầy, đủ cho nhu cầu di chuyển trong một tuần của phần lớn người dân tại các thành phố lớn. Các công ty chế tạo cũng đang xây dựng thêm các điểm sạc công cộng trên khắp quốc gia.
Tuy nhiên, sự sẵn có của các điểm sạc ở Ấn Độ vẫn chưa tương xứng so với Trung Quốc hoặc các nền kinh tế phương Tây, khiến những chuyến đi dài trở nên khó khăn. Bộ trưởng Dầu mỏ Hardeep Singh Puri cho biết các công ty dầu mỏ của Ấn Độ sẽ thiết lập trạm sạc ở các thành phố chính và dọc theo đường quốc lộ.
Một trở ngại khác chính là số lượng xe hai bánh khổng lồ của Ấn Độ. Theo ông Cuneyt Kazokoglu, người quản lý bộ phận nhu cầu dầu tại công ty tư vấn năng lượng FGE có trụ sở tại London, New Delhi sẽ cần rất nhiều thời gian để chuyển đổi và thay thế các phương tiện hiện có.
“Đội quân” khổng lồ
Xe hai bánh chiếm gần 2/3 lượng phương tiện ở Ấn Độ. Cũng có rất ít sự đồng thuận xung quanh dự báo tăng trưởng của ngành này: tập đoàn lọc dầu lớn nhất đất nước Indian Oil dự đoán thị phần xe máy điện có khả năng chỉ chiếm 30% doanh số bán hàng vào năm 2030. Trong khi FGE nhận định xe điện chỉ chiếm 5% tổng doanh số bán xe hai bánh trong khoảng năm 2025 – 2030.
Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã bắt đầu xoay trục khỏi xăng và dầu diesel. Những nỗ lực này có khả năng sẽ được đẩy nhanh sau cam kết của Thủ tướng Modi.
Indian Oil bắt đầu hoán đổi pin cho xe điện tại một số trạm bơm nhiên liệu của mình trong khi Reliance Industries - công ty có giá trị nhất của Ấn Độ và là nhà điều hành khu liên hợp lọc dầu lớn nhất thế giới – đã lên kế hoạch về trung hòa carbon vào năm 2035.
Điều mà các doanh nghiệp trong ngành mong muốn hiện nay chính là mục tiêu đã nêu của chính phủ về việc loại bỏ dần xe hai bánh chạy bằng xăng, dầu.
Ông Naveen Munjal, người ra mắt chiếc xe đạp điện đầu tiên của Ấn Độ vào năm 2001 và xe máy điện đầu tiên vào năm 2007, nói rằng: “Nếu không có mục tiêu chuyển đổi cụ thể, rất khó để các công ty đưa ra kế hoạch cụ thể. Nếu có một chính sách quy định chúng ta phải chuyển đổi vào năm 2025 hoặc 2030, thì toàn bộ hệ sinh thái sẽ rơi vào đúng vị trí của nó”.