Những người đứng đầu của các Big Oil cho biết người tiêu dùng có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng cao kéo dài trong nhiều năm. Điều này gây nên áp lực đối với các chính phủ, vốn đã chịu nhiều sức ép liên quan đến đà tăng lạm phát.
Big Oil là từ dùng để mô tả các công ty dầu khí giao dịch công khai lớn nhất thế giới , có sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Các công ty Big Oil có thể kể đến như BP, Chevron, TotalEnergies …
Giá dầu và khí đốt đã tăng vọt vào những tháng gần đây. Nguyên nhân do hoạt động kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh chóng trong bối cảnh các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 dần nới lỏng, cũng như việc giảm đầu tư vào nguồn cung mới nhằm đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu của các quốc gia.
Giá khí đốt toàn cầu tăng vọt trong những tháng cuối năm 2021 đã thúc đẩy những gã khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch trên thế giới đạt được doanh thu tốt. Trong khi đó người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực châu Âu, đã phải đối mặt với sự tăng mạnh của hóa đơn xăng dầu, sưởi ấm và điện. Điều này khiến một số chính phủ đã phải tung ra các khoản trợ cấp để giảm bớt áp lực.
Logo của công ty BP ở bên ngoài một trạm xăng dầu tại London, Anh vào ngày 23/9/2021. Ảnh: Getty Images.
Ông Patrick Pouyanné, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty dầu khí tổng hợp đa quốc gia của Pháp TotalEnergies (TTEF.PA), nhận định rằng giá dầu sẽ vẫn ở mức cao. Ông cho biết thêm TotalEnergies sẽ phát một phiếu mua hàng trị giá 100 euro (114,20 USD) để giúp một số khách hàng thu nhập thấp hơn giải quyết các hóa đơn năng lượng cao.
Ông Bernard Looney, Giám đốc Điều hành BP, cho biết nguồn cung của thị trường dầu có thể sẽ thắt chặt hơn trong năm nay, giá hiện đã hơn 90 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014. Ông chia sẻ với hãng tin Reuters hôm thứ Ba (8/2): "Chúng tôi dự đoán là sự biến động vẫn diễn ra trong những tháng tới và năm tới". Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh BP Plc (NYSE: BP) đã báo cáo lợi nhuận ròng năm 2021 tăng mạnh nhờ giá hàng hóa tăng vọt, đạt 12,8 tỷ USD, mức cao nhất trong 8 năm.
Một số nhà lập pháp Anh đang kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson áp dụng thuế bạo lợi (windfall tax, thuế đánh trên những số tiền lớn kiếm được bất ngờ) đối với một số nhà sản xuất dầu khi để giúp các hộ gia đình giải quyết hóa đơn năng lượng.
Hôm thứ Tư (9/2), Equinor (EQNR.OL) của Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai tại châu Âu sau Gazprom của Nga, đã công bố lợi nhuận hàng quý cao kỷ lục. Ông Anders Opedal, Giám đốc điều hành Equinor, phát biểu trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi cho rằng thị trường khí đốt tiếp tục thắt chặt trong tương lai, giá điện cũng sẽ biến động”. Ông cho biết nhu cầu năm nay vẫn mạnh trong khi lượng dự trữ ở dưới mức bình thường.
Các công ty năng lượng hàng đầu châu Âu đang có kế hoạch chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng cacbon thấp và năng lượng tái tạo, đồng thời đã giảm các khoản đầu tư vào những dự án dầu khí mới trong những năm gần đây. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung như hiện nay.
Trong năm nay, Equinor dự báo tổng sản lượng khai thác dầu và khí đốt của hãng sẽ tăng 2%, trong khi sản lượng của BP dự kiến sẽ không thay đổi so với năm trước.