Mới đây, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) đã có văn bản gửi Vietnam Airlines đề nghị báo cáo về lý do tăng giá vé máy bay trong thời gian vừa qua. Văn bản này có 6 yêu cầu.
Trong đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu Vietnam Airlines cung cấp thông tin về giá và các đợt điều chỉnh giá vé máy bay các chặng bay nội địa ở tất cả hạng vé, loại vé từ 1/1 đến nay.
Thông tin về số lượng, doanh thu bán vé máy bay các chặng nội địa ở tất cả các hạng vé, loại vé trong 4 tháng đầu năm. Ủy ban đề nghị Vietnam Airlines thông tin công thức tính giá vé máy bay chặng nội địa ở tất cả các hạng vé, loại vé.
Thông tin về chi phí và sự biến động chi phí của các yếu tố cấu thành giá vé và giải trình lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay, kèm tài liệu chứng minh. Vietnam Airlines cũng được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan về lý do tăng giá vé máy bay, gửi về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước ngày 4/6.
Hồi đầu tháng 3/2024 giá vé nhiều chặng bay nội địa trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cao gấp 1,5 lần ngày thường. Chẳng hạn, chặng Hà Nội - Quy Nhơn, giá vé máy bay khứ hồi đi các ngày 27/4-30/4 là 5 triệu đồng, cao hơn 600.000 so với một tháng trước cao điểm và cao hơn 2 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm.
Năm ngoái, dữ liệu phòng vé của Best Price cho thấy khách hàng đặt vé máy bay khứ hồi sát ngày chặng Hà Nội - Quy Nhơn cho hành trình 28/4-1/5 là 2,3 triệu đồng mỗi người.
Tại một hội thảo được tổ chức vào giữa tháng 5, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, thừa nhận giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15 - 20%.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng đang nỗ lực tiết giảm khoảng 10% chi phí mà hãng có thể kiểm soát được so với hiện tại.
"Hiện tại, ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách, nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông - phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 USD nêu trên cũng bay theo", Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ.
Giá vé bay tăng do nhiều nguyên nhân
Ngày 6/5, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình giá vé máy bay nội địa 4 tháng đầu năm 2024.
Cục Hàng không cho rằng giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn luôn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.
Văn bản dẫn ra: Đường bay Hà Nội - TP HCM, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%). So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng hàng không chỉ ở mức từ 44,1% (Vietravel Airlines) đến 77,6% (Vietnam Airlines).
Theo Cục Hàng không, giá vé máy bay của các hãng tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính gồm: giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng; giá thuê tàu bay tăng cao và tình hình cung cầu vận tải hàng không.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, được thành lập trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; Hội đồng Cạnh tranh. Theo quy định, thành viên ủy ban có tối đa 15 người, là công chức của Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học.
Đây là mô hình cơ quan đặc biệt, duy nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp cùng lúc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tố tụng, tài phán.