Theo tìm hiểu, từ ngày 6 – 8/2, hầu hết vé chặng bay từ Hà Nội và các tỉnh vào TPHCM đều được bán hết từ trước tết, do hành khách mua khứ hồi để quay lại TPHCM sau thời gian nghỉ Tết. Trước Tết, vé máy bay được bán với nhiều mức giá khác nhau cho hành khách lựa chọn, trong đó chủ yếu là mức giá rẻ, và đặt sớm sẽ có nhiều vé rẻ để chọn.
Chính vì thế, số lượng vé bay sau Tết còn lại rất ít, chủ yếu là vé hạng thương gia với mức giá cao hơn so với vé hạng phổ thông.
Chị Phạm Ái Vân (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có việc đột xuất phải bay từ Hà Nội vào TPHCM sau Tết, nên khi mua vé tôi thấy lượng vé có hạn và giá cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu đặt vé càng sát ngày đi càng cao, thậm chí mua vé giờ chót có khi còn tương đương giá vé thương gia. Do đó, muốn có vé giá rẻ phải lên kế hoạch đi từ sớm để đặt vé mới có giá rẻ”.
Giá vé máy bay nội địa được xây dựng không quá khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định (ảnh: Đức Minh)
Một chuyên gia hàng không cho rằng, vé máy bay thuộc mặt hàng nhà nước kiểm soát giá, nên Bộ Giao thông Vận tải có quy định về khung trần giá vé máy bay nội địa, khung giá này áp dụng với hạng phổ thông.
Theo đó, giá vé cao nhất của hạng phổ thông cơ bản là 3,75 triệu đồng/chiều cho chặng bay có cự ly từ 1.280km trở lên. Với đường bay Hà Nội – TPHCM có khoảng cách thuộc khung đường từ 1.000 - 1.280km, mức giá vé phổ thông cơ bản cao nhất là 3,2 triệu đồng/chiều.
Các mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh (như phí quản trị hệ thống, giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý, các dịch vụ tăng thêm).Một chuyên gia hàng không cho rằng, vé máy bay thuộc mặt hàng nhà nước kiểm soát giá, nên Bộ Giao thông Vận tải có quy định về khung trần giá vé máy bay nội địa, khung giá này áp dụng với hạng phổ thông.
Cũng theo vị chuyên gia trên, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ngành hàng không gặp nhiều khó khăn, chịu sức ép rất lớn trong việc đảm bảo hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trước, trong và sau Tết.
Một hành khách làm thủ tục bay sau tết (ảnh: Đức Minh) |
Để xây dựng mức giá vé trong dịp Tết, các hãng hàng không căn cứ vào yếu tố “lệch đầu” trong giai đoạn này. Trước Tết, khách chủ yếu đi từ Nam ra Bắc nên giá vé máy bay chiều này thường cao, còn chiều Bắc vào Nam rất nhiều vé giá rẻ thậm chí vé khuyến mại, và ngược lại vào thời gian sau Tết.
Để đủ máy bay phục vụ chiều đông khách, các hãng sẽ phải bay rỗng (bay không có khách) một chiều, đồng nghĩa với việc lỗ ở chiều bay này. Cụ thể, nếu tổng chi phí khai thác khứ hồi 1 chuyến bay là 1 tỉ đồng, các hãng sẽ bị lỗ 500 triệu đồng cho chiều bay rỗng. Đó là lí do giá vé chiều đông khách sẽ cao hơn chiều vắng khách nhằm bù đắp cho chi phí khai thác cả hai chiều.
Ngoài ra, mỗi chuyến bay các hãng xây dựng giá vé và mở bán với nhiều mức từ thấp đến cao và mở bán cho cả năm, nên khách mua sớm sẽ có nhiều cơ hội chọn được vé giá rẻ, mua vé sát ngày bay khách phải chấp nhận giá vé cao khi vé rẻ đã được những người mua trước đặt hết. Điều này không chỉ áp dụng với hàng không của Việt Nam, tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều theo thông lệ này.
Để đáp ứng nhu cầu trở lại phía Nam sau Tết, Cục Hàng không đã cấp phép cho các hãng tăng cường thêm hàng trăm chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn từ ngày 7-12/2, nên vé cung ứng trên thị trường đã được cải thiện với giá tốt hơn, với nhiều giá giá vé linh hoạt để khách chọn.