Theo ghi nhận sáng 25/2, tại các cửa hàng vàng bạc trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), người dân ùn ùn đổ về đây từ sáng sớm. Dòng người nối nhau chật kín trước cửa hàng, tràn cả ra vỉa hè và xuống lòng đường.
Giá vàng biến động tăng mạnh, rồi giảm nhanh, nhưng số lượng người mua vẫn áp đảo người bán. Không ít người phàn nàn đã phải xếp hàng từ 6h sáng để chờ tới lượt mua. "Tôi đã xin nghỉ làm để đi xếp hàng từ 6h sáng chờ tới lượt mua vàng dù giá vàng đã giảm xuống còn hơn 47 triệu đồng/lượng", anh Trần Bình, ngụ ở Giải Phóng, Hà Nội nói.
Cùng chung kỳ vọng giá sẽ tăng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Tâm, Hai Bà Trưng cho biết, lần này thay vì bán đi để chốt lời, chị sẽ mua vào chờ đợi thêm với niềm tin đỉnh giá sẽ ở đâu đó gần mốc 60 triệu đồng.
Nhân viên bán hàng tại Trần Nhân Tông thừa nhận, lượng người mua và người bán đang tăng mạnh từ hôm qua, tuy nhiên số người tới mua vàng vẫn nhỉnh hơn khoảng 20%.
Theo người này, trong vòng 6 tháng qua, đây là lần thứ hai hiện tượng đổ xô mua vàng do giá tăng xuất hiện tại Việt Nam. Trước đó, tại thời điểm tháng 10/2019, giá vàng cũng đã đạt đỉnh gần 43 triệu đồng/lượng, khiến nhiều người sẵn sàng bỏ vốn vào kênh đầu tư này.
Anh Phạm Văn Tuy, Tổ trưởng tổ trực doanh cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, đã phải túc trực tại cửa hàng từ 6h sáng đến 20h đêm, vừa đảm bảo hỗ trợ mua bán, vừa nhắc nhở khách hàng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Hiện giá vàng trong nước biến động theo từng phút, sát với tình hình giá thế giới. Tính tới phiên giao dịch 10h32 sáng ngày 25/2, giá rồng vàng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu đang được bán ở mức 47,4 triệu đồng/lượng và giá mua vào 46,1 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với cuối ngày hôm qua, giá mua bán vàng miếng đã giảm 1 triệu đồng/lượng.
Những người đã mua vàng ngày hôm qua khi giá ở đỉnh 49 triệu đồng/lượng nếu bán lại vào hôm nay đã mất đứt hơn 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng đi xuống. Tại Bảo Tín Minh Châu giá bán vàng trang sức bán ra còn 47,7 triệu đồng/lượng.
Đến 10h50 sáng, giá vàng DOJI tại các cửa hàng ở Hà Nội giảm xuống còn 46,5-47,3 triệu đồng/lượng, giảm 1,9 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh đạt được hôm qua. Giá vàng SJC tại DOJI lao dốc xuống còn 46,6-47,6 triệu đồng/lượng, giảm 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tập đoàn Phú Quý cũng tiếp tục điều chỉnh giá vàng SJC xuống còn 46,5 triệu đồng/lượng mua vào - 47,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Đánh giá về biến động "sốc" của thị trường vàng trong vài ngày qua, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng, sau đà tăng giá từ năm 2019 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ vì thông tin tiêu cực liên quan đến dịch Covid-19.
Vị này đánh giá, ở thời điểm này, với tâm lý lo ngại khi thị trường bất ổn, chứng khoán sụt giảm, nhiều người tìm kiếm kênh đầu tư an toàn hơn là vàng, khiến giá vàng thế giới và trong nước bị đẩy lên cao, trong khi thực tế, nhu cầu giao dịch không nhiều.
Theo vị chuyên gia này, nếu trong tháng 3, dịch Covid-19 giảm các diễn biến phức tạp, được khống chế tốt hơn, thì thị trường vàng sẽ ổn định, bằng không, giá vàng thế giới có thể lên tới 1.700 USD/ounce và giá trong nước lên trên mức 50 triệu đồng/lượng.
Mặc dù là kênh đầu tư tốt, song vị chuyên gia cho rằng, người dân không nên sử dụng tiền chi tiêu hàng ngày hoặc vay mượn tiền để đầu tư vào vàng. Thay vào đó, có thể sử dụng tiền nhàn rỗi phân bổ vào các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất kinh doanh.
"Nếu đầu tư vàng thì cần tìm hiểu rõ thời điểm nào là phù hợp để chốt lời hoặc cắt lỗ, mua vàng tích lũy trong thời gian dài, ít nhất từ 3-6 tháng, thay vì mua/ bán kiểu lướt sóng", ông Hiếu bày tỏ.