Động thái của các ngân hàng trung ương kể trên được công bố thông qua một thông cáo báo chí vào Chủ nhật (19/3), trong đó viết rằng họ sẽ tăng cường “việc cung cấp thanh khoản thông qua các thỏa thuận hoán đổi thanh khoản ( swap line ) bằng đô la Mỹ thường xuyên”, cho phép một ngân hàng trung ương nhận ngoại tệ từ ngân hàng trung ương khác phát hành loại tiền đó, và phân phối lại cho các ngân hàng thương mại trong nước. Các dòng hoán đổi là một thỏa thuận giữa từng cặp ngân hàng trung ương để trao đổi tiền tệ.
“Để nâng cao hiệu quả của các swap line trong việc cung cấp vốn bằng USD, các ngân hàng trung ương hiện đang cung cấp các hoạt động bằng USD đã đồng ý tăng tần suất của các hoạt động từ định kỳ 7 ngày lên hàng ngày”, “Các hoạt động hàng ngày như vậy bắt đầu thực hiện từ Thứ Hai, ngày 20/3/2023 và sẽ tiếp tục ít nhất đến cuối tháng Tư”, thông cáo cho biết.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các thị trường vốn đã cạn kiệt khiến các ngân hàng châu Âu gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tiền USD. Fed trước đây đã từng sử dụng các swap line cho các hành động khẩn cấp trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và trong đại dịch Covid.
Và lần này, các thỏa thuận swap line chính là công cụ tài chính đặc biệt quan trọng để giữ sự ổn định của thị trường, giúp giảm bớt căng thẳng trong thị trường vốn toàn cầu, làm giảm thiểu tác động của các căng thẳng đối với việc cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Thỏa thuận swap line mới giữa 5 ngân hàng trung ương trước mắt sẽ họat động đến 30/4 và có khả năng sẽ tiếp tục mở lâu dài hơn. Mục tiêu cuối cùng của việc chuyển các hoạt động đáo hạn từ 7 ngày sang hàng ngày là giúp làm dịu đi biến động tỷ giá hối đoái và tránh căng thẳng trong việc cung cấp tín dụng.
Động thái phối hợp mới nhất này của nhóm các ngân hàng trung ương lớn đã giúp hạn chế tình trạng bán gấp lấy tiền mặt trên toàn cầu - thường xảy ra trong những thời điểm ngành ngân hàng gặp sự cố, khi các nhà đầu tư bán tài sản rủi ro để lấy tiền mặt.
Một số lần Fed sử dụng swap line
Những phản ứng của thị trường sau động thái của 5 ngân hàng trung ương
Ngay sau động thái trên, thị trường phản ứng rất tích cực, những lo ngại về nguy cơ lây lan trong lĩnh vực ngân hàng đã giảm đáng kể.
Đồng USD giảm mạnh, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng
Đồng USD giảm giá vào thứ Hai, với chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - lúc kết thúc ngày 20/3 theo giờ Việt Nam giảm 0,472% so với phiên giao dịch liền trước, xuống 103,3, thấp hơn đáng kể so với mức cao trên 103 điểm chạm tới vào tuần trước.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,468% khi các nhà đầu tư chuyển sang trái phiếu chính phủ, được coi là tài sản an toàn và đặt cược rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa, mặc dù chia rẽ trong dự đoán về mức độ tăng 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm.
Giá vàng tăng vượt 2.000 USD, đạt mức cao nhất trong một năm
Giá vàng tăng vọt ngay sau thông báo của các ngân hàng trung ương, đầu phiên 20/3 đạt 2.014 USD, không xa so với mức cao nhất mọi thời đại - 2.072,50 USD đạt tới trong năm 2020 - trước khi hạ nhiệt một chút sau đó. Tài sản trú ẩn an toàn này đã tăng giá 10% chỉ trong vài ngày.
Giá vàng tăng vọt.
So với một số loại tiền tệ khác, giá vàng trong phiên 20/3 đạt kỷ lục cao nhất mọi thời đại. Theo đó, vàng phiên 20/3 đạt trên 3.000 đô la Úc do giá trị của đồng đô la Úc giảm so với đô la Mỹ; đạt 165.000 rupee Ấn Độ và 1.880 euro, chỉ kém 20 euro so với kỷ lục lịch sử tính theo euro.
Lượng vàng nắm giữ bởi SPDR Gold Trust – quỹ hoán đổi lớn nhất thế giới – đã tăng 0,7% lên 921,08 tấn trong ngày 17/3, từ mức 914,72 tấn ngày 16/4.
Bitcoin cao kỷ lục 9 tháng
Đồng Bitcoin cũng tăng vọt sau động thái của 5 ngân hàng trung ương bởi loại tiền này vốn đã nhận được sự ưu ái mới trong mắt các nhà đầu tư giữa bối cảnh họ đang cần đa dạng danh mục đầu tư khi ngày càng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Theo đó, Bitcoin trong phiên 20/3 có lúc đạt 28.662 USD, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái, đưa mức tăng từ đầu tháng đến nay lên 25% và từ đầu năm đến nay lên 71,5%.
Bitcoin đã tăng 26% vào tuần trước, mức tăng hàng tuần tốt nhất kể từ tháng 4 năm 2019 và đã tăng khoảng 40% trong 10 ngày gần đây.
Bitcoin tăng mạnh trong 1 tuần qua.
Chứng khoán hồi phục mạnh mẽ
Chỉ số S&P 500 và chỉ số Dow Jones đồng loạt tăng điểm vào thứ Hai khi các ngân hàng trung ương bắt tay chống khủng hoảng giúp xoa dịu những lo ngại của các nhà đầu tư.
Cổ phiếu của tất cả các chỉ số lĩnh vực S&P, ngoại trừ công nghệ thông tin, đều có sắc xanh trong phiên 20/3, với chỉ số Dow Jones tăng 295,83 điểm, tương đương 0,93%, lên 32.157,81, ố S&P 500 tăng 23,21 điểm, tương đương 0,59%, lên 3.939,85, trong khi Nasdaq Composite giảm 1,68 điểm, hay 0,01%, xuống 11.628,83.
Cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ hầu hết tăng trong phiên này, cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu cũng phục hồi, trong đó cổ phiếu của UBS tăng 2%, phục hồi sau mức sụt giảm 16%.
Tại Mỹ, tuần trước các ngân hàng lớn đã gửi 30 tỷ USD vào ngân hàng First Republic.
Tham khảo: Reuters, Cnbc