Cụ thể, lúc 8h30, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 55,5-56,05 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều mua và 300 nghìn đồng/lượng chiều bán so với hôm qua.
Tương tự, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng giảm 150 nghìn đồng/lượng chiều mua và 300 nghìn đồng/lượng chiều bán xuống mức 55,5-56,05 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong ngày 21/2 (mùng 10 Tháng Giêng - ngày vía Thần Tài), giá vàng trong nước chủ yếu đi ngang, giá bán ra vàng SJC phổ biến 56,3-56,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước rớt mạnh sau ngày Thần Tài là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo, bởi trước ngày Thần Tài, giá vàng trong nước đã cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Có thời điểm giá vàng SJC cao hơn vàng quốc tế tới 7 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng thế giới đứng ở mức 1.786 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với phiên trước. Giá vàng thế giới tương đương với 49,8 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí) khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD tại Vietcombank.
Tâm lý kém khả quan vẫn bao trùm thị trường vàng trong tuần này khi giá vàng đã xuống mức thấp nhất 8 tháng. Các nhà phân tích cho rằng, thị trường trái phiếu vẫn là mối áp lực lớn nhất đối với giá vàng trong ngắn hạn.
Mặc dù áp lực lạm phát đang gia tăng, nhưng e ngại này lại được bù đắp bởi kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi mạnh hơn. Tâm lý này đẩy lợi suất trái phiếu lên cao, kéo theo đó là lãi suất thực tế tăng lên, khiến vàng mất đi sức hấp dẫn.
Theo Kitco, trên Wall Street, 72% chuyên gia tham gia khảo sát tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục đi xuống trong khi chỉ có 17% chuyên gia dự báo tăng và 11% chuyên gia dự báo đi ngang.
Trên Main Street, 43% người tham gia khảo sát dự báo giá vàng đi lên, trong khi 40% dự báo giảm và 17% trung lập.