Giá vàng liên tục lập đỉnh, chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố hỗ trợ quan trọng

Việt Linh |

Mở cửa phiên sáng nay, giá vàng SJC đạt đỉnh 63,6 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn cũng lên mức cao kỷ lục 55 triệu đồng/lượng. Đồng thời, giá vàng thế giới cũng đạt mức cao nhất 9 tháng.

Sáng 22/2, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 63 - 63,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng. Nhẫn tròn trơn 999.9 giao dịch ở mức 54,2 - 55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức 62,98 - 63,53 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng. Nhẫn tròn trơn 999.9 giao dịch ở mức 54,05 - 54,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Hà Nội, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết vàng miếng ở mức 62,65 - 63,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch mua vào - bán ra là 700.000 đồng/lượng.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ qua khoảng 2 tuần, giá vàng tăng hơn 1 triệu đồng/lượng. Ngoài ảnh hưởng tác động từ thị trường thế giới, theo các chuyên gia, Việt Nam chủ yếu là thị trường tiêu dùng/bán lẻ vàng, do đó các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng sẽ có tác động lớn nhất.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng Thế giới chỉ ra, có 3 yếu tố quan trọng hỗ trợ cho giá vàng tại Việt Nam trong năm 2022.

Yếu tố lớn nhất là tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có một nền kinh tế cực kỳ sôi động và khả năng phục hồi cao. Việt Nam dự kiến ​​sẽ tiếp tục phục hồi kinh tế vào năm 2022, nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu mạnh có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Điều này có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu của người tiêu dùng đối với đồ trang sức, vàng miếng.

Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng thành công của Việt Nam cũng đóng một vai trò quan trọng. Vào cuối tháng 1, gần 73% đã được tiêm chủng đầy đủ ở Việt Nam. Con số này cao hơn nhiều (60%) so với tỷ lệ trung bình của châu Á và cao hơn tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ.

Yếu tố thứ ba là lạm phát. Lạm phát toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng lên. Nghiên cứu thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới đã chỉ ra rằng, đối với nhiều người Việt Nam, chống lạm phát là yếu tố chính để mua vàng.

"Nghiên cứu của chúng tôi cũng ủng hộ trường hợp vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Trong thời kỳ lạm phát thấp, khi lạm phát từ 3% trở xuống, lợi tức trung bình hàng năm trong lịch sử của vàng là gần 7%. Con số đó tăng lên gần 13% trong thời kỳ lạm phát cao", ông Andrew nhấn mạnh

Giá vàng thế giới đạt đỉnh 9 tháng

Sáng 22/2 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.907,38 USD/ounce, giảm nhẹ so với kết phiên cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới tương đương khoảng 54,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước 9,5 triệu đồng/lượng.

Theo hãng tin Reuters, thứ 3 (22/2), giá vàng đạt mức cao nhất trong gần 9 tháng, sau khi Nga điều quân đến các khu vực ly khai ở miền đông Ukraina, thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại trú ẩn an toàn.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo Nga sẽ kéo dài các cuộc tập trận quân sự ở Belarus, dự kiến kết thúc vào ngày chủ nhật, càng làm leo thang căng thẳng khi hình ảnh các vệ tinh xuất hiện cho thấy việc triển khai thiết giáp mới của Nga và binh lính gần biên giới Ukraine.

Trên thị trường tiền tệ, sáng 22/2, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỉ giá trung tâm USD ở mức 23.130 đồng, giảm 3 đồng/USD. Tại Ngân hàng Vietcombank (hội sở chính), giá USD niêm yết ở mức 22.630 - 22.940 đồng/USD mua vào - bán ra, giảm tới 40 đồng/USD so với hôm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại