Giá vàng lao dốc cực mạnh, khi nào về mốc 30 triệu đồng/lượng?

Pha Lê |

Tính từ đầu tuần đến nay, vàng đã giảm hơn 25 USD/ounce.

Hình minh họa

Hình minh họa

Vàng được coi là một trong những "hầm trú ẩn an toàn" của nhiều người trước biến động khó lường của nền kinh tế. Sau đà tăng cực mạnh hồi đầu và giữa năm nay, thời gian gần đây, kim loại quý này đã có nhiều phiên giảm giá, "bay hơi" cả triệu đồng mỗi lượng trong một ngày.

Trên thị trường thế giới, đêm hôm qua, 27/9, vàng đã có bước phục hồi nhẹ lên 1.644 USD/ounce. Tuy nhiên, đến sáng hôm nay, giá vàng lại tiếp tục lao dốc về mức 1.626 USD/ounce. Tính từ đầu tuần đến nay, vàng đã giảm hơn 25 USD.

Chịu tác động của giá vàng thế giới, sáng hôm nay, vàng trong nước cũng đồng loạt giảm. Lúc 10h sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 63,5 - 64,5 triệu đồng, giảm 1,1 triệu đồng mỗi lượng so với hôm qua. Tính trong hai ngày gần đây, mỗi lượng vàng miếng SJC đã giảm 2 triệu đồng.

Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, mỗi lượng vàng miếng hạ hơn 1 triệu đồng về 63,3 – 64,3 triệu đồng. Giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận giảm về mức 63,4 – 64,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến chiều hôm nay, giá vàng đã bắt đầu phục hồi nhẹ. Cập nhật lúc 15h, Phú Quý niêm yết vàng SJC là 64,0 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 65,0 triệu đồng/lượng chiều bán ra. SJC hiện có giá mua vào là 64,2 triệu đồng/lượng và bán ra tại mức 65,2 triệu đồng.

Vàng trang sức PNJ trong phiên chiều nay đã tăng nhẹ so với hôm qua. Hiện đang được bán ở mức 50,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 51,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với hôm qua.

Dù vậy, theo tính toán, nếu một người mua vàng vào ngày 26/9 đến trưa nay bán ra thì có thể lỗ hơn 2,0 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng lao dốc cực mạnh, khi nào về mốc 30 triệu đồng/lượng? - Ảnh 1.

Biến động giá vàng trên sàn Kitco chiều nay (Nguồn: Kitco)

Việc giảm giá mạnh của mặt hàng vàng là bởi giá đồng USD tăng mạnh thời gian qua. Chỉ số USD Index lên 114,4 điểm tăng gần 0,4% trong ngày.

Cùng với đó, lo ngại sau động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tác động tới kinh tế cũng là yếu tố ảnh hưởng tới vàng. Một số quan chức của FED nhận định FED có thể tăng lãi suất cơ bản lên 4,5% trong thời gian tới khiến cho lãi suất trái phiếu kỳ hạn kỳ hạn 2 năm được giữ vững ở mức 43,3%/năm, còn lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vọt lên 3,96%/năm. Thị trường vàng dấy lên lo ngại nhiều người sẽ thu gom USD để mua trái phiếu, gây bất lợi cho giá vàng.

Theo đánh giá của Reuters, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng rời khỏi đỉnh 12 năm xác lập vào phiên trước, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.

Hiện tại, giá vàng kỳ hạn tháng 10 đã chạm mức thấp nhất 2,5 năm. Nhà phân tích Carsten Menke thuộc Công ty Julius Baer nhận định, nếu lãi suất của Mỹ tăng lên 3,75% như thị trường kỳ vọng vào tháng 11, vàng có thể giảm xuống khoảng 1.580 USD/ounce, và nếu lãi suất đạt 5,5%, vàng có thể trượt xuống 1.285 USD/ounce (khoảng hơn 30 triệu đồng/lượng). Tuy nhiên, theo ông này, trong năm tới, khả năng giá vàng có thể lên đến 1.900 USD/ounce.

Trong khi đó, ông Tom Pelc - Giám đốc đầu tư của Fortu Wealth có cái nhìn sáng sủa hơn khi cho biết, giá vàng sẽ ở mốc 1.645 USD/ounce, thấp hơn nữa là 1.606 USD/ounce.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại