Giá vàng thế giới giảm mạnh đã kéo giá vàng trong nước giảm từ 200-300.000 đồng mỗi lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 82,2-84,2 triệu đồng/lượng, giảm 300 nghìn đồng mỗi lượng cả hai chiều so chốt phiên hôm trước. Chênh lệch mua-bán ở mức 2 triệu đồng.
Tương tự, DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 82,2 - 84,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 300 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm trước.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 82,2-84,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 300.000 đồng/lượng.
Còn tại Phú Quý mức giá vẫn ở ngưỡng 82,3 – 84,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Hiện chênh lệch giá vàng mua - bán được niêm yết quanh ngưỡng 2 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia nhận định mức chênh lệch này vẫn rất cao.
Cùng lúc đó, giá vàng nhẫn cũng xuất hiện đà giảm nhẹ, giao dịch quanh ngưỡng 84 triệu đồng/lượng, nhiều thương hiệu có mức giá cho vàng nhẫn ngang với giá vàng SJC.
Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 cũng giảm 300 nghìn đồng mỗi lượng so mức kết phiên hôm qua, giao dịch mua vào và bán ra lần lượt là 83,3-84,2 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 83,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 84,2 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so kết phiên liền trước.
Giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.609,7 USD/ounce, giảm 12,7 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 2/2025 trên sàn Comex New York ở mức 2.623,9 USD/ounce.
Giá vàng thế giới sụt giảm trong bối cảnh đồng USD tăng giá rất mạnh so với nhiều ngoại tệ khác. Không ít nhà đầu tư vàng ra tay bán tháo để thu hồi vốn.
Các báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng cho thấy, thị trường vàng năm 2025 sẽ trở nên phức tạp hơn bởi sự đan xen của nhiều yếu tố thuận lợi và bất lợi. Tuy nhiên, nhu cầu vàng mạnh mẽ từ ngân hàng trung ương, bất ổn địa chính trị, lạm phát cao vẫn hỗ trợ cho giá vàng.