Cụ thể, lúc 9h10 (ngày 3/4), Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,2-48,2 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng/lượng so với hôm 1/4.
Tương tự, tập đoàn Phú Quý tăng 400 nghìn đồng/lượng lên 47,00-48,00 triệu đồng/lượng.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng điều chỉnh lên 47,00-48,30 triệu đồng/lượng.
Vàng trong nước bật tăng khi vàng thế giới cũng quay đầu phục hồi trở lại, vượt mốc 1.600 USD/ounce. Lúc 9h20 ngày 3/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã lên 1.609,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao dịch cao hơn khoảng 10-20 USD/ounce, hiện giá vàng giao tháng 5 là 1.625 USD/ounce, giao tháng 6 là 1.633 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá bán USD tại Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương với gần 46 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng vọt trở lại sau khi rớt mạnh xuống quanh mức 1.580 USD/ounce trong 2 hôm trước, chủ yếu do Mỹ công bố có 6,6 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Mức tăng 6,6 triệu người là gấp đôi so với mức tăng dự kiến chỉ hơn 3 triệu, cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang bị tê liệt nghiêm trọng vì sự bùng phát của coronavirus.
Trong khi giá vàng phục hồi, đồng USD cũng mạnh lên, dù thông thường sẽ diễn biến ngược chiều nhau. Bất chấp tình trạng thất nghiệp, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt lại vượt mốc 100 điểm.
Đồng bạc xanh tăng trong bối cảnh các đồng tiền chủ chốt khác suy giảm mạnh. Đồng euro giảm xuống mức thấp mới so với USD trong bối cảnh khu vực kinh tế châu Âu oằn mình chống lại tác động của dịch Covid-19.
Các đồng tiền châu Á cũng giảm mạnh. Chỉ số lòng tin kinh doanh của các nhà chế tạo lớn ở Nhật trong tháng 3 đã rơi vào vùng âm lần đầu tiên trong bảy năm.
Mặc dù đồng bạc xanh mạnh lên trên thế giới, nhưng tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định trong 3 phiên liên tiếp. Hiện giá bán ra USD tại các ngân hàng chỉ quanh mức 23.650 đồng, ngang với giá mà NHNN bán ra cho các ngân hàng thương mại.