Hôm nay (17/3), giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên giá tiếp tục tăng 1.000 đ/kg so với hôm qua (16/3) và đang giao dịch từ 70.500 – 74.500 đồng/kg. Trước đó đã tăng từ 1.000 - 1.500 đ/kg so với ngày 15/3.
Cụ thể, Bình Phước giá 73.500 đồng/kg, tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá 72.500 đồng/kg, tỉnh Gia Lai, ở mức 71.500 đồng/kg, tại Đồng Nai thấp nhất 70.500 đồng/kg. Riêng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt mức cao nhất 74.500 đồng/kg.
Đáng chú ý, vào ngày 15/3, giá tiêu trên thị trường tự do cao hơn giá tham khảo 2.000-4.000 đồng/kg, có nơi được thương lái đến hỏi mua với giá 76.000 đồng/kg. Các mức giá này gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước.
Giá tiêu trên thị trường đang đi ngược thông lệ
Nhận định về việc giá tiêu trên thị trường đang đi ngược thông lệ và tăng nóng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, vụ tiêu mới bắt đầu thu hoạch rộ, dự kiến cuối tháng 4 sẽ kết thúc nên sản lượng tiêu hàng hóa trên thị trường chưa nhiều giá tiêu lại tăng nóng trong thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng người trồng tiêu có tâm lý “găm hàng chưa bán vội”, còn thương lái thì tới các vùng trồng tiêu trọng điểm mua gom để “ôm hàng” chờ giá tăng thêm, đưa đến hiện tượng khan hiếm tiêu cục bộ tại thời điểm hiện tại.
“Giá tiêu tăng cao người được hưởng lợi trước tiên là nông dân nhưng giới đầu cơ thì chưa chắc. Tuy nhiên, trên thị trường đã có hiện tượng găm hàng chờ giá khiến các công ty xuất khẩu khó mua đủ hàng giao cho khách theo hợp đồng đã ký, đó là chưa kể giá tăng doanh nghiệp bị lỗ so với mức giá đã ký. Qua tháng 4 tiêu vào thu hoạch rộ đến cuối tháng 4 thì hết vụ, cộng với tiêu Campuchia tràn vào, lượng tiêu hàng hóa trên thị trường dồi dào, giá tiêu có thể sẽ không còn được như bây giờ vì vậy người trồng nên cân nhắc thời điểm bán ra”, một doanh nghiệp chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2021, lượng tiêu xuất khẩu đạt 13.428 tấn, với kim ngạch 38,923 triệu USD, giảm 20,5% về lượng và giảm 20,1% về giá trị so với tháng 2/2020. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu đạt 30.291 tấn, với kim ngạch 87,558 triệu USD, giảm 25,3% về sản lượng và giảm 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá tiêu đen và tiêu trắng của Việt Nam tăng 11% so với tuần trước, trung bình 2.697 USD/tấn đối với tiêu đen và 4.215 USD/tấn đối với tiêu trắng.
Khối lượng tiêu xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh so với cùng kỳ do tháng 2 rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, và tình trạng khan hiếm container rỗng đẩy chi phí logistics tăng cao. Kim ngạch từ đó cũng giảm 6,5%, còn 87,56 triệu USD, tương đương mức giá khoảng 2.890 USD/tấn tiêu xuất khẩu.
Để tránh rủi ro doanh nghiệp không nên ký hợp đồng giao xa
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, giá tiêu trên thị trường nội địa tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố là những thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam dần ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên tiêu thụ tăng lên, cho dù đến hiện tại tình trạng thiếu container vẫn còn nhưng đó không phải là yếu tố quyết định lớn đối với xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.
Vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay muộn hơn các năm trước, đến nay cả nước mới thu hoạch khoảng 30-40% diện tích và giá tiêu đang bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa. Dự báo, sản lượng tiêu năm nay ước đạt 150.000-180.000 tấn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Sản lượng tiêu ở các quốc gia khác cũng đang giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy sản lượng tiêu toàn cầu được dự báo giảm và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ đang có xu hướng tăng nhưng mức tăng chưa tương xứng với mức giá nguyên liệu như hiện nay.
“Với tình hình như hiện nay giá tiêu sẽ không tăng mạnh thêm nữa nhưng xuống giá như trước đây cũng khó. Việt Nam đang thu hoạch tiêu nhưng giá tiêu tăng cho thấy nhu cầu thị trường đang có. Theo khảo sát của VFA, năm 2021 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ giảm trên dưới khoảng 25% so với vụ tiêu trước”, ông Hải cho biết.
Theo các doanh nghiệp, giá tiêu tăng và diễn ra liên tục từ cuối tháng 2 đến nay là có điều gì đó “bất thường”, trong khi sản lượng và giá thành xuất khẩu chưa tăng tương xứng. Vì vậy, người dân không nên vay tiền trữ hàng hay mở rộng diện tích trồng tiêu như những năm 2015-2016.
Còn theo VPA, giá tiêu đang bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký, doanh nghiệp nên điều tiết tiến độ giao hàng, hoặc mua thị trường khác thay thế hay thương lượng để bồi thường hợp đồng.