Dù thịt heo nhập khẩu khá rẻ nhưng người tiêu dùng mua lẻ vẫn chịu giá cao. Nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu tuy tăng đến 300% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng không có tác dụng nhiều trong việc hỗ trợ giảm giá heo trong nước.
"Dính đến thịt heo là có lời"
"Bây giờ, hễ buôn bán gì mà dính đến thịt heo là có lời" - bà S., chủ một công ty thực phẩm ở Bình Dương, nói về chuyện kinh doanh năm nay.
Công ty của bà S. chuyên sản xuất xúc xích, cá viên, chả cá… bán sỉ cho các điểm bán hàng ăn vặt nên bị "đứng hình" trong thời gian quán xá đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19. Bất ngờ là mấy lô nguyên liệu thịt heo ngoại công ty trữ hồi cao điểm dịch lại lãi đậm.
"Công ty vừa bán lại 2 container nạc đùi Brazil 56 tấn, lời được 1 tỉ đồng. Lịch sử công ty chưa từng có vụ làm ăn nào lời "khủng" như vậy. Lý do là thời điểm công ty mua vào giá chỉ 76.000 đồng/kg, nay thị trường tăng hơn 20.000 đồng/kg nên chỉ cần bán ra 94.000 đồng/kg là người ta tranh nhau mua" - bà S. kể.
Người tiêu dùng mua thịt heo đông lạnh tại siêu thị
Cũng theo bà S., những năm gần đây, biên độ lợi nhuận của ngành chế biến thực phẩm chỉ khoảng 5% - 7%, riêng bán lẻ thịt heo là lợi nhuận cao.
"Là khách hàng lớn của các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thịt nên công ty tôi luôn có nguồn hàng đúng giá. Giờ người tiêu dùng bắt đầu chịu ăn thịt đông lạnh nhập khẩu nên công ty cho nhân viên bán thịt heo lẻ để kiếm thêm.
DN hỗ trợ phần cắt thịt phù hợp nấu ăn trong gia đình, nhân viên bán thịt với giá rẻ hơn thị trường 10.000 - 20.000 đồng/kg thì vẫn còn lời ít nhất 10.000 đồng/kg.
Mỗi ngày, mỗi nhân viên bán được vài chục kg thịt là thu nhập hơn cả lương" - bà S. phân tích và đưa ví dụ ba rọi heo giá gốc chỉ 100.000 đồng/kg, khi cắt ra sẽ bị hao hụt nên công ty giao cho nhân viên giá 115.000 đồng/kg, họ có thể bán 130.000 - 140.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn thị trường.
Theo khảo sát của phóng viên, giá bán lẻ thịt heo nhập khẩu ở kênh siêu thị, cửa hàng hiện nay thấp hơn nhiều so với thịt heo tươi trong nước.
Tuy nhiên, tại kênh phân phối chợ lẻ, chênh lệch giữa giá thịt đông lạnh nhập khẩu và thịt tươi sống không đáng kể.
Cụ thể, tại hệ thống Big C, cốt lết nhập khẩu giá 108.000 đồng/kg, ba rọi 159.500 đồng/kg, nạc 145.000 đồng/kg; còn tại một chuỗi kinh doanh thịt heo nhập khẩu, giá thịt heo đông lạnh (đã rã đông, tẩm ướp gia vị) tương đương giá thịt tươi sống bán ở chợ: ba rọi 200.000 đồng/kg, cốt lết 150.000 đồng/kg, sườn non 214.000 đồng/kg.
Tại hệ thống cửa hàng La Maison, dù đang có chương trình khuyến mãi nhưng cốt lết Canada vẫn có giá 140.000 đồng/kg, ba rọi Tây Ban Nha 180.000 đồng/kg.
Kéo thịt nhập về đúng giá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 70.000 tấn thịt heo, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019; giá nhập khẩu về tới cảng trung bình 2,55 USD/kg, tương đương 60.000 đồng/kg (cập nhật đến cuối tháng 4).
Ở thời điểm hiện nay, giá thịt heo nhập khẩu có tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá trong nước.
Ví dụ: giá thịt ba rọi, nạc dăm nhập khẩu là 3 - 3,5 USD/kg (không quá 82.000 đồng/kg), giò trước 1,2 - 1,4 USD/kg (không quá 33.000 đồng/kg), các mặt hàng khác như giò sau, tim chỉ từ 0,8 - 1,1 USD/kg (không quá 26.000 đồng/kg).
Ông Văn Đức Mười, chuyên gia chăn nuôi, cho rằng nhà nước cần kiểm soát giá bán thịt heo nhập để khuyến khích tiêu dùng bằng giá rẻ hợp lý. "Giá thịt nhập khẩu về tới Việt Nam rất thấp nhưng giá bán ra lại nương theo giá thịt tươi sống vốn đang quá cao.
Lẽ ra, DN nhập khẩu nên ấn định giá bán dựa trên giá thành cộng thêm phần lợi nhuận hợp lý giúp người tiêu dùng chuyển đổi thói quen. Nếu thịt nhập bán đúng giá sẽ thu hút người tiêu dùng mua thay thế thịt nội, góp phần cân đối cung - cầu" - ông Mười phân tích.
Về phía DN nhập khẩu, ông Lâm Minh An, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Minh An (TP HCM), cho rằng DN nhập khẩu chỉ bán sỉ, các đơn vị bán lẻ tùy theo chiến lược kinh doanh mà định giá bán lẻ, DN không thể kiểm soát được.
"Cùng một mặt hàng, DN bán sỉ giá 80.000 đồng/kg nhưng có hệ thống bán lẻ tới 160.000 đồng/kg, cũng có chỗ bán 120.000 - 140.000 đồng/kg" - ông An dẫn chứng.
Theo ông Nguyễn Thanh Khuê, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Anh Khải Ký (TP HCM), từ khi đặt hàng đến khi thịt nhập về đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên giá thị trường lên, DN hưởng lợi mà giá xuống thì DN chịu lỗ.
"Cũng kinh doanh thịt nhập nhưng giờ mỗi kg thịt gà nhập khẩu bán ra DN phải chịu lỗ đến 10.000 đồng/kg. Bây giờ giá thịt nhập khẩu đang tăng, nhà nhập khẩu còn hàng tồn sẽ bán giá mới để hưởng lợi chứ không ai dại gì bán giá cũ.
Nếu nhà nước muốn bình ổn giá thì cần có chính sách đi kèm như hỗ trợ vốn để các DN nhập hàng và bán ra với giá được ấn định đến người tiêu dùng" - ông Khuê đề xuất.
Vướng ở khâu phân phối
Theo ông Phạm Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, lâu nay người tiêu dùng vẫn có suy nghĩ hàng đông lạnh có vấn đề về chất lượng nhưng thực chất dòng hàng này bảo đảm an toàn thực phẩm hơn so với hàng tươi sống.
"Thịt nhập từ các nước phát triển, được chăn nuôi theo chuẩn GlobalGAP, giết mổ theo quy trình HACCP nên rất bảo đảm. Vấn đề của thịt nhập (nếu có) là sai sót về quy trình rã đông hoặc cấp đông lại thịt sau khi rã đông khiến thịt bị ôi thiu.
Do điều kiện bán hàng cần phải có thiết bị bảo quản nên thịt nhập khẩu chưa ra được kênh chợ dân sinh mà còn ở siêu thị, cửa hàng nhưng dần dần thì những vấn đề này sẽ được khắc phục. Một khi người tiêu dùng quen với thịt đông lạnh thì thịt tươi sống giết mổ trong nước sẽ rất khó cạnh tranh" - ông Bình nhận định.