Giá vàng tuần thứ 2 của tháng 8 chứng kiến những sự biến động rất lớn. Giá vàng tăng "sốc" rồi lập tức lao dốc không phanh khi giảm từ mức cao kỷ lục 2.075 USD xuống 1.863 USD/ounce trong tuần đã khiến nhiều nhà đầu tư "trở tay không kịp", việc bán tháo quá khủng khiếp cũng khiến nhiều người cân nhắc lại cái nhìn đối với việc đầu tư vàng.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/8, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở 1.944,80 USD/ounce, vàng giao tháng 12 giảm 0,85% xuống 1.953,60 USD. Đây là tuần giảm đầu tiên kể từ đầu tháng 6.
Theo các chuyên gia của Forbes, giá vàng phải vượt qua ngưỡng tâm lý 2.000 USD và duy trì trên mức quan trọng này để tiếp tục giữ đà tăng giá.
Sau khi đạt mức cao nhất là 2.075 USD vào ngày 7/8, giá vàng tụt xuống mức thấp nhất là 1.863 USD vào ngày 12/8 và kể từ đó, không thể vượt qua ngưỡng quan trọng 2.000 USD. Và trong tuần này, thị trường đã chứng kiến đợt bán tháo giá vàng đáng kể nhất kể từ năm 2013.
Diễn biến thị trường trong những ngày gần đây không khỏi khiến các nhà giao dịch vàng phải lo lắng. Thậm chí, việc bán tháo vàng đã khiến nhiều người từng luôn coi vàng là kênh đầu tư không thể thay thế cũng phải suy nghĩ lại về chiến lược đầu tư.
Tổng số vàng các quỹ ETF nắm giữ đang ở mức cao kỷ lục, nhưng có một dấu hiệu nhỏ về sự thoái lui và đây có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy đà đi lên đang giảm bớt.
Trước đó, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới là SPDR đã có nhiều phiên bán mạnh từ cuối tuần trước đến nay, tổng cộng khối lượng quỹ này bán ra trong vòng 1 tuần qua tới 17,33 tấn. Dù vậy, với lực mua mạnh trước đó thì tính chung từ đầu tháng 8 đến nay, quỹ này vẫn mua ròng 8,68 tấn vàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đợt giảm giá mới đây là do áp lực nhà đầu tư chốt lời khiến thị trường điều chỉnh.
Tin tức về vaccine mới của Nga sẽ không ảnh hưởng nhiều tới diễn biến giá vàng trong thời gian tới. Thị trường sẽ có thêm các phiên điều chỉnh tiếp theo trước khi tiếp tục đà tăng, lấy lại mốc 2.000 USD và tạo thêm các kỷ lục mới.
Trên thực tế, nền kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới – Mỹ tuy đã cho thấy một số cải thiện trên thị trường lao động, ngày càng ít người nộp đơn xin thất nghiệp. Song sự cải thiện này trên thị trường lao động Mỹ chưa đủ để thay đổi câu chuyện của Fed về chính sách tiền tệ lãi suất thấp của họ - động lực chính cho giá vàng.
Và bất kể sức mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ như thế nào, cuộc thảo luận về lãi suất của Mỹ không có khả năng sớm thay đổi, điều đó có nghĩa là giá vàng dự kiến sẽ vẫn tăng cao hơn.
Theo đó, với vai trò là nơi trú ẩn an toàn nhất cho nhà đầu tư khi giá trị tiền tệ suy giảm, giá vàng sẽ xác lập mức mặt bằng giá mới, khó quay trở lại mức dưới 1.500 USD tức quy đổi tương đương 40 triệu/lượng và tùy thuộc vào kết quả 2 mặt của các gói hỗ trợ kinh tế thế giới mới tung ra do dịch Covid-19, cũng như triển vọng hạ nhiệt căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung cả về kinh tế và ngoài kinh tế.
Tại thị trường trong nước, tuần qua, giá vàng cũng biến động mạnh theo giá vàng thế giới. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC được DOJI niêm yết ở mức 54,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,30 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo các nhà phân tích, với những diễn biến rất khó đoán định của thị trường vàng thời gian qua, các nhà đầu tư hay khách hàng cá nhân nhỏ lẻ nên chú ý tới những yếu tố dưới đây khi có ý định đầu tư vào kim loại quý.
Thứ nhất, mức chênh lệch cao giữa giá mua và giá bán, hiện tại lên đến trên 2 triệu đồng/lượng; thứ hai, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới còn cao; thứ ba, quá nhiều số lần điều chỉnh giá trên bảng điện tử; thứ tư, sự giảm giá nhanh chóng mỗi khi có tuyên bố của NHNN về sẵn sàng bán vàng ra để can thiệp thị trường vàng trong nước…
Thực tế cho thấy, khi xuất hiện một hay vài yếu tố nhận diện trên có nghĩa là giá vàng trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ của tâm lý; khi đó, người dân rất nên cân nhắc việc bỏ tiền mua vàng, vì sẽ chịu rủi ro giá giảm nhanh.