Giá rau tăng đến 500%, đẩy lạm phát ngày càng leo thang ở Pakistan

Hoàng Trang |

Giá cà chua, khoai tây và hành tây tăng chóng mặt đang khiến lương thực trở thành mặt hàng xa xỉ đối với người dân Pakistan, quốc gia vừa bị lũ lụt tàn phá nặng nề.

Người dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt chờ nhận hàng cứu trợ tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan ngày 31/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt chờ nhận hàng cứu trợ tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan ngày 31/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia Nam Á này vốn đang quay cuồng với tình trạng nguồn dự trữ tiền tệ ngày càng cạn kiệt và lạm phát tăng nhanh nhất trong gần 5 thập kỷ. Hiện Pakistan lại phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực sau khi những trận mưa xối xả nhấn chìm một phần ba đất nước và phá hủy mùa màng.

Anh Ali Asghar Londer, một trong số hàng nghìn người đang sống trong các lều sơ tán ở thành phố Dadu, cho biết giá hành tây hiện tại là 300 rupee/kg (khoảng 33.000 đồng), tăng gấp 6 lần so với trước lũ lụt. Nằm bên bờ sông Indus, Dadu đã hứng chịu thiệt hại nặng nề trong hoạt động sản xuất lúa và hành tây.

Theo anh Londer, tuần trước, giá khoai tây đã tăng gấp 4 lần lên 100 rupee/kg, cà chua tăng 300% lên 400 rupee/kg, trong khi bơ sữa trâu - một loại chất béo dùng để nấu ăn - tăng 400%. Ở những nơi khác, nguồn cung cấp sữa và thịt cũng chịu ảnh hưởng do các nhà kho bị ngập lụt. Có thể thấy rõ rằng giá lương thực tăng cao sẽ gây thêm sức ép cho nền kinh tế vốn mong manh này.

Những trận lũ lụt vừa qua ước tính gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của trên 1.300 người, cũng như buộc nửa triệu người phải sống trong các lều trại. Nước lũ đã nhấn chìm những vùng đất nông nghiệp rộng lớn và cuốn trôi cây trồng tại quốc gia mà lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 1/5 giá trị của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Tài chính Miftah Ismail, tại tỉnh Sindh, toàn bộ các cánh đồng bông trải dài 1,5 triệu mẫu cùng 65% sản lượng gạo của khu vực đã bị xóa sổ. Toàn bộ sản lượng chà là, 20% mía và một nửa số hành tây và các loại cây rau màu khác cũng đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ismail vẫn bày tỏ sự lạc quan trong một cuộc phỏng vấn ngày 3/9. Quan chức này nói rằng giá rau đang giảm và lạm phát ở mức cao nhất trong 47 năm qua có khả năng giảm xuống gần 15% trong năm nay. Thế nhưng, các nhà phân tích lại không lạc quan như vậy.

Ông Amreen Soorani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty JS Global, cho biết: “Mối lo ngại lớn của thảm họa lũ lụt chính là tác động đến lạm phát. Tình trạng thiếu lương thực do lũ lụt năm 2010 đã khiến lạm phát lương thực tăng gần gấp đôi trong hai tháng. Giờ đây, chúng ta vốn đang ở trong môi trường lạm phát cao, và mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nữa”.

Giá tiêu dùng ở Pakistan đã tăng nhanh chóng lên 27,26% trong tháng 8 và là tháng thứ 6 tăng liên tiếp trước khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Lạm phát lương thực đã tăng lên 29,5% vào tháng trước.

Theo ông Fahad Rauf, trưởng nhóm nghiên cứu tại Ismail Iqbal, giá rau bắt đầu giảm ở Karachi khi hàng hóa nhập khẩu được chuyển đến. Pakistan đang mua hành tây và cà chua từ Iran và Afghanistan để bù đắp thiếu hụt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại