Gia nhập sàn chứng khoán với tham vọng tỷ đô, Lộc Trời đã chuẩn bị gì để "phát lộc"?

Huy Nguyên |

Lộc Trời đặt ra tham vọng đạt 1 tỷ USD vốn hóa vào năm 2021, tức gấp 6 lần vốn hóa hiện tại của công ty.

Tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, doanh nghiệp đứng đầu ngành Bảo vệ thực vật cả nước được thành lập từ năm 1993.

Nhưng trong vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Lộc Trời này có xu hướng chậm lại kể từ lúc dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh chuỗi giá trị lương thực. Qua đó, chấm dứt thời kỳ tăng trưởng mạnh mẻ trong gần 2 thập kỷ của Công ty này.

Sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh trong 2 năm vừa qua sẽ là một yếu tố khiến các nhà đầu tư quan tâm đến Lộc Trời phải cân nhắc. Câu hỏi đặt ra là liệu đây là sự sụt giảm mang tính thời điểm trong sự nghiệp hay là sự đình trệ sẽ tiếp tục tiếp diễn?

Dù rằng, định hướng xây dựng chuỗi giá trị lương thực, triển khai các cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL của Lộc Trời được đánh giá là đúng đắn nhưng hiệu quả thu được là rất thấp. Đến nay, Lộc Trời vẫn đang phải lấy phần lợi nhuận từ ‘nồi cơm’ Bảo vệ thực vật và phân bón để bù lỗ cho mảng kinh doanh lương thực.

 Gia nhập sàn chứng khoán với tham vọng tỷ đô, Lộc Trời đã chuẩn bị gì để phát lộc?  - Ảnh 1.

Doanh thu lợi nhuận của Lộc Trời sụt giảm mạnh trong năm 2015 và 2016

Do vậy, mục tiêu 1 tỷ USD vốn hóa, lợi nhuận sau thuế 65 triệu USD cho năm 2021 của Lộc Trời cũng là một thách thức. Trong đó, riêng kế hoạch giành lại miếng bánh thị phần ngành thuốc BVTV ở mức 30% được nhiều đánh giá là một bài toán không hề dễ dàng khi môi trường cạnh tranh ngày càng cao.

Với giá chào sàn dự kiến 55.000 đồng, vốn hóa thị trường của Lộc Trời mới chỉ đạt 3.700 tỷ đồng, tương đương 163 triệu USD - tức mới chỉ bằng 1/6 so với mục tiêu tỷ đô mà công ty đặt ra.

 Gia nhập sàn chứng khoán với tham vọng tỷ đô, Lộc Trời đã chuẩn bị gì để phát lộc?  - Ảnh 2.

Rũ bỏ mô hình kinh doanh cũ

“Thứ nhất là chúng tôi đã phát triển trong một thời gian dài mà quên mất trong nội tại chúng tôi đang như thế nào, mô hình kinh doanh cũ đã có biểu hiện giống như ‘rác’ trong nhà lâu ngày không được quét dọn; Thứ 2 là do thị trường những gần đây không thuận lợi.”

Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn đã đưa ra những giải đáp về tình hình kinh doanh của tập đoàn sụt giảm trong năm vừa qua tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, giới thiệu về Tập đoàn Lộc Trời trước thời điểm đưa cổ phiếu LTG chính thức giao dịch trên sàn UpCom vào ngày 24/7 tới đây.

Cụ thể hơn về vấn đề này, Ông Nguyễn Tiến Tùng, Trưởng ban chiến lược Lộc Trời cho biết, sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận của Lộc Trời bắt nguồn từ quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp, từ bỏ mô hình kinh doanh cũ.

“Cái gốc của Lộc Trời chính là Thuốc BVTV và các sản phẩm phân bón. Tuy nhiên, trong những năm nay, lĩnh vực này đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ với hơn 200 DN sản xuất thuốc BVTV và hơn 800 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh phân bón.

Điều đó đặt ra thách thức buộc chúng tôi phải thay đổi. Đầu tiên là cấu trúc lại hệ thống phân phối. Từ việc chỉ bán hàng cho 200-300 đại lý trung gian ban đầu, chúng tôi đã phát triển trên 5.000 đại lý bán lẻ khắp cả nước đến hiện tại.’ Ông Tùng cho biết.

Việc làm này khi bắt đầu đã làm doanh số sụt giảm, chi phí bán hàng tăng lên đã kéo lợi nhuận của Tập đoàn suy giảm. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc hệ thống phân phối theo đại diện Lộc Trời là một quyết định kịp thời, giúp Tập đoàn tránh rủi ro khi tập trung công nợ vào số ít đại lý lớn, giảm rủi ro thu hồi vốn.

Sẵn sàng cho cuộc chơi mới

Hiện nay, Lộc Trời đang tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh chính là Thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng; Giống cây trồng; và Chế biến lương thực. Trong đó, hoạt động kinh doanh thuốc thực vật chiếm đến 60% doanh thu của tập đoàn năm 2016 và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Lộc Trời.

Mặc dù kinh doanh chậm lại, nhưng hiện Lộc Trời vẫn là đơn vị dẫn đầu thị trường trong ngành Thuốc bảo vệ thực vật với 20% thị phần.

Bên cạnh đó, nhờ tái cấu trúc hệ thống phân phối cũ và tập trung phát triển đại lý trong vòng 2 năm qua, Lộc Trời đã xây dựng được mạng lưới phân phối gồm 26 chi nhánh và hơn 5.000 đại lý trên toàn quốc. Đây chính là một thế mạnh của Lộc Trời mà các đối tác nước ngoài đa mong muốn hợp tác.

Trưởng ban chiến lược Lộc Trời cho biết, không chỉ tái cấu trúc hệ thống phân phối, việc đưa hàng bán lẻ yêu cầu phải đa dạng hóa sản phẩm để tăng thêm lợi ích cho các đại lý.

Từ đó, Lộc Trời cũng đã làm việc lại với đối tác truyền thống là Syngenta để đưa ra phương án kinh doanh mới, cho phép Lộc Trời được sẽ hợp tác thêm với một vài đối tác khác để đa dạng hóa sản phẩm, hài hòa lợi ích cho tất cả các bên.

Đó chính là cơ sở để Lộc Trời tin rằng, kế hoạch 30% thị phần vào năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được.

 Gia nhập sàn chứng khoán với tham vọng tỷ đô, Lộc Trời đã chuẩn bị gì để phát lộc?  - Ảnh 3.

Riêng về 2 lĩnh vực giống và lương thực, nói với các nhà đầu tư tham gia sự kiện, về nguyên nhân vì sao hiệu quả thấp nhưng Lộc Trời vẫn làm?

Ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng, một mặt đó là sứ mệnh, là trách nhiệm đối với nông dân nhưng song song đó, Lộc Trời cũng đã tìm ra lợi ích của mình, đó là nơi tốt nhất mà Lộc Trời quảng bá hình ảnh của mình.

Ông Thòn cũng cho biết là đã có khách hàng từ Trung Quốc và Phillipine đặt hàng qua đó giúp ổn định đầu ra để yên tâm cùng nông dân sản xuất. Kế hoạch năm 2017 là hòa vốn mảng lương thực và năm 2018 bắt đầu có lời.

“Từ năm nay, Lộc Trời đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới, chúng tôi sẽ quay trở lại đà tăng trưởng sau gần 3 năm loay hoay tái cấu trúc.

Với việc đưa cổ phiếu lên sàn, chúng tôi phải chịu nhiều áp lực từ phía cổ đông, nhưng đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cải tiến, minh bạch thông tin cùng đồng hành với các nhà đầu tư phát triển bền vững.”, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nói tại sự kiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại