Giá nhà tăng vì thủ tục pháp lý nhiêu khê

Nguyễn Duy Quang |

Quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn khuất cơ chế “xin cho”, nhũng nhiễu, tiêu cực... là lực cản, đồng thời là nguyên nhân làm tăng giá nhà. Đó là những vấn đế bức xúc được đặt ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức ngày 27/11.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó ban Kinh tế Trung ương nhận định, đô thị hóa đã góp phần đa dạng hóa các loại hình kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, kinh tế đô thị là một trong ba “trụ cột” tăng trưởng kinh tế quốc dân, đóng góp gần 70% GDP của cả nước.

Dù vậy, theo ông Hiển, đô thị hóa và phát triển đô thị nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Quá trình đô thị hóa còn mất cân đối, sự phân biệt đối xử và phúc lợi xã hội giữa người di cư, nhập cư với dân cư thành thị còn nhiều; người nhập cư khó tiếp cận các dịch vụ cơ bản và các cơ hội việc làm tại đô thị.

Ông Hiển đánh giá hệ thống đô thị phát triển với mật độ thấp, manh mún, nhiều nơi còn mang tính tự phát.Số lượng đô thị tuy nhiều nhưng chất lượng đô thị còn kém, khả năng chống chọi yếu, thiếu bền vững.

Hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là giao thông; hạ tầng đô thị quá tải và thiếu liên kết; công tác quy hoạch đô thị chậm cải tiến, chất lượng quy hoạch thấp, thiếu bản sắc, kiến trúc riêng, thực hiện chưa nghiêm.

Ghi nhận những bước phát triển của thị trường bất động sản, nhà ở thời gian qua, song ông Hiển cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập.

Điển hình là sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; việc phát triển bất động sản có lúc, có nơi chưa theo quy hoạch, không có kế hoạch, chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện.

Năng lực các chủ thể của thị trường bất động sản còn nhiều hạn chế, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, đầu tư còn theo phong trào. Đặc biệt, còn tình trạng lệch pha cung cầu, thị trường dư thừa nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở bình dân và nhà ở xã hội.

Nhận định nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị, Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển tính toán mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.

Vì thế, cần phân tích thực trạng cơ chế, chính sách tác động đến thị trường bất động sản để dự báo xu hướng, đề xuất các chính sách để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, bền vững.

Còn ẩn khuất cơ chế xin cho

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu không ổn định và phát triển thiếu bền vững, thể hiện qua sự thăng trầm của thị trường, thậm chí có thời điểm đã xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, có lúc sốt nóng “bong bóng”, có lúc bị “đóng băng”.

Một trong những nguyên nhân được ông Châu chỉ ra là cả “rừng” văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản. Do những vướng mắc về thể chế, pháp luật mà tại TPHCM, từ tháng 12/2015 đến tháng 9/2018 đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai do “ách tắc” thủ tục đầu tư xây dựng.

Công tác thực thi pháp luật cũng còn chưa tốt, nhất là quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn khuất cơ chế “xin cho”. Bên cạnh đó, nhũng nhiễu, tiêu cực, cũng là “lực cản” và là nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại