Giá nhà lên đến trăm triệu đồng/m2 người dân làm gì có tiền mua

Minh Thư |

Trước đây căn hộ giá 25 triệu đồng/m2 đã gần như là cao cấp nhưng bây giờ tại Hà Nội và TP.HCM làm gì có. Bình thường giá cũng 40-50 triệu đồng/m2, thậm chí hàng trăm triệu đồng một mét vuông thì người dân không có tiền mua nhà được.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nói về những điểm nghẽn của thị trường hiện nay tại diễn đàn sáng 9/7. Nguồn cung có vấn đề, giá nhà tăng lên, giá bán lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông.

Giá nhà lên đến trăm triệu đồng/m2 người dân làm gì có tiền mua - Ảnh 1.

Giá nhà 40-50 triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng một mét vuông, người dân không có tiền mua nhà.

“Trước đây nhà dưới 15 triệu đồng/m2 là thu nhập thấp, bình dân nhưng bây giờ làm gì còn, ngày xưa quy định nhà 25 triệu đồng/m2 gần như là cao cấp nhưng bây giờ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm gì có.

Bình thường giá cũng 40-50 triệu đồng/m2, thậm chí hàng trăm triệu đồng một mét vuông thì người dân không có tiền mua nhà được. Rõ ràng nguồn cung có vấn đề, nguồn cung thiếu thì giá nhà mới tăng lên”, ông Hà nói.

Ông Hà cho rằng, chúng ta đang đến chu kì 10 năm của thị trường và tác động của dịch bệnh khiến doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, thị trường bất động sản có liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách, liên quan hơn 10 luật khác nhau từ luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở, các luật liên quan tới thuế, phí…. Kinh doanh bất động sản đặc biệt nhạy cảm với việc thay đổi chính sách.

“Các doanh nghiệp mong chờ chính sách, mong chờ được tháo gỡ. Các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ nhiều khi lại vấp phải những quy định mới thành ra gây khó khăn. Vấn đề đấu thầu quyền sử dụng đất trong các dự án phân biệt đất đã giao và đất công, văn bản trước không có nhưng văn bản sau lại có những điểm khác.

Hay những văn bản về thuế, tín dụng, tiêu chuẩn an toàn… có những văn bản chuẩn bị có hiệu lực thì doanh nghiệp lại phải “chạy” trước như chạy lụt, chạy bão để qua trước thời gian văn bản có hiệu lực.

Bởi nếu không lo thủ tục trước thì việc hoàn thiện được thủ tục mất rất nhiều thời gian. Chi phí cũng tăng thêm khi thực hiện các văn bản mới” – ông Hà chia sẻ.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, khi chuẩn bị dự án, chủ đầu tư cũng có tính toán những chi phí để huy động nhưng khi văn bản mới tăng chi phí lên khiến nhiều dự án đổ bể.

Trong khi dự án có thể đã có cam kết với doanh nghiệp khác hay người mua nhà từ trước đó… Chính vì vậy, có dự án 10 năm không hoàn thành được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách.

Cũng theo ông Hà, trên thực tế có tình trạng văn bản 6 tháng mới có hiệu lực nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp.

“Nên chăng văn bản có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp có thể có hiệu lực ngay. Còn văn bản nào có tác động lớn tới doanh nghiệp thì có hạn 1-2 năm, hoặc là 5 năm mới có hiệu lực”, ông Hà kiến nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, hỗ trợ quan trọng nhất mà doanh nghiệp mong chờ là gỡ rối cơ chế chính sách.

Lý giải nguyên nhân các dự án vì sao ách tắc, ông Hiệp nói: Luật Quy hoạch vừa sửa lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Theo đó, muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia.

Nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược, doanh nghiệp “bó tay”.

Luật Đất Đai và luật Quy hoạch là 2 luật liên quan đến các dự án ách tắc hiện nay. Do đó, kiến nghị khi xây dựng, sửa đổi luật có mời các doanh nghiệp, những người làm quy hoạch để có tiếng nói của thực tiễn.

Về Luật Xây dựng, dù có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng bên cạnh đó còn nhiều thủ tục phiền hà làm chậm tiến trình phát triển.

“Tôi đã góp ý nên có ban tư vấn về đất đai, trong đó có tiểu ban doanh nghiệp để đóng góp điều gì nên, điều gì không nên. Chúng tôi rất mong tiếng nói của doanh nghiệp về việc xây dựng các luật đến được với người có thể quyết định, đến với cơ quan làm luật, như vậy những đóng góp mới hiệu quả” - ông Hiệp nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại