Giá khởi điểm máy bay bị “bỏ rơi” tại Nội Bài là bao nhiêu?

Ngân Anh |

Bộ GTVT vừa cho phép Cục Hàng không Việt Nam được toàn quyền quyết định việc xác định giá khởi điểm đấu giá tàu bay Boeing 727-200 bị bỏ rơi tại Nội Bài.

Cụ thể, văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ: Theo Nghị định 02/2012/NĐ-CP và Nghị định 29/2014/NĐ-CP, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền xác định giá khởi điểm, đồng thời là cơ quan có tài sản bán đấu giá được phép thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xem xét trước khi quyết định.

Chi phí thuê các tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá tài sản để xác định giá khởi điểm sẽ được tính vào chi phí xác định giá tài sản để bán đấu giá và được chi trả từ số tiền thu được do bán đấu giá tài sản.

Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đào Văn Chương, Cục Hàng không là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của người có trách nhiệm chuyển giao tài sản bán đấu giá và thực hiện việc bán đấu giá tài sản với tàu bay B727-200.

Theo quy định, việc xác định giá khởi điểm phải được triển khai trước khi bán đấu giá. Tuy nhiên, xét theo các quy định về thẩm định giá thì Cục Hàng không Việt Nam không đủ điều kiện để tự thực hiện việc định giá tài sản, do đó sẽ phải thuê các tổ chức có chức năng thẩm định giá làm việc này.

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, đầu tháng 5/2007, tàu bay Boeing B727-200 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, số hiệu đăng ký XU-RKJ, khai thác tuyến HAN-REP-HAN (Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội) vì sự cố đã đỗ lại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Sau đó, CHK quốc tế Nội Bài nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng RKA về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, RKA và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển tàu bay cũng như không có liên hệ nào.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó đã có thông báo việc giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) đã bị thu hồi và tàu bay B727-200 đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam có thể xử lý tàu bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Được biết, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT chấp thuận phương án để TCT Cảng hàng không VN (ACV) tạm ứng kinh phí định giá bởi trong quá trình xử lý tàu bay B727-200 bị bỏ quên thì ACV hiện chính là đơn vị nắm giữ các khoản nợ trực tiếp (chi phí lưu đậu nhiều năm tại Nội Bài). Phía ACV cũng đã có văn bản đồng ý với phương án này.

Theo các chuyên gia, hiện chưa thể xác định được chính xác giá trị chiếc tàu bay, tuy nhiên giá trị sử dụng là không còn. Một cán bộ của Cục Hàng không Việt Nam cũng từng khẳng định, thực chất tàu bay này “chỉ có thể dùng được cái vỏ, trưng bày chứ không thể khắc phục”.

Hiện, vẫn chưa có con số cuối cùng về khoản chi phí sân đậu chiếc tàu bay nặng 80 tấn này đến thời điểm hiện tại, song trước đó, theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, CHK quốc tế Nội Bài đã từng có một báo cáo về chiếc B727-200 này.

Theo đó, các khoản thu từ việc máy bay B727-200 của Royal Khmer Airlines đậu lại sân bay Nội Bài tính từ thời điểm 1/12/2007 đến hết ngày 22/8/2014 đã lên tới 605.800 USD. Trong đó, riêng tiền dịch vụ sân đậu tàu bay là hơn 528.000 USD./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại