Với mức tăng này, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới đã vượt qua gạo Thái Lan.
Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đứng ở mức 403 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn. Còn gạo 25% tấm vẫn giữ giá. Gạo 100% tấm tăng 10 USD/tấn, lên mức 338 USD/tấn.
Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới đã vượt qua gạo Thái Lan. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, giá gạo Thái Lan lại giảm, mức giảm từ 1 - 4 USD/tấn. Trong đó, gạo 5% tấm giảm 4 USD/tấn, bán ra ở mức 399 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 4 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 2 USD/tấn, bán ra ở mức 396 - 400 USD/tấn, cao hơn gạo Việt Nam 18 USD/tấn; gạo 100% tấm của Thái Lan cũng giảm 1 USD/tấn, bán ra ở mức 387 - 391 USD/tấn, cao hơn gạo Việt Nam 49 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm trong 3 năm liên tiếp sau khi đạt mức cao kỷ lục 11,6 triệu tấn vào năm 2017. Quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận lượng xuất khẩu gạo thấp nhất trong hai thập niên là 5,7 triệu tấn vào năm 2020 và tụt xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng toàn cầu sau khi bị Việt Nam vượt qua.
Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được điều chỉnh tăng nhẹ 50 đồng/kg. Dự báo, thương mại gạo sẽ tăng mạnh vào khoảng 2 tuần tới khi vụ Đông Xuân ở ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 505.741 tấn với trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài thị trường truyền thống, dự báo, năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng EU.
Thống kê về ngành hàng lúa gạo cho thấy, đến đầu tháng 2/2022, diện tích lúa đã thu hoạch đạt 391.800 ha, bằng 104,9% cùng kỳ năm trước. Sản lượng đã thu hoạch đạt 2,08 triệu tấn, bằng 106% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất bình quân đạt 53,2 tạ/ha, bằng 101% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng lúa gạo hiện nay đáp ứng đủ cho tiêu dùng trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu những tháng đầu năm 2022.