"Với chị, ca sinh 5 đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam như một món quà đặc biệt vậy. Giờ đây, chị chỉ mong muốn có thể nuôi dạy các con nên người" - chị Thư tâm sự.
"Huynh, đừng nói chuyện nữa, nhanh lên, các em đã làm tới bài số 5 rồi kìa…"
"Lộc ngồi xuống, không vừa học vừa ăn…"
"Số đằng trước của 30 là 31, con đọc lại lần nữa xem Phượng…"
"Đệ không được đá banh ra đường. Uống sữa rồi chia cho mấy em một ít…".
Miệng vừa nhắc nhở, tay chị Thư đã phải cầm ngay bút sửa bài cho đứa khác, rồi dỗ ngọt, la lớn. 15 phút sau, cái lớp học mà chị bày ra đã thành đàn ong vỡ tổ khi anh 3 Lộc mang trong tủ lạnh ra một hũ sữa, cả bọn trẻ liền "choảng" nhau để tranh phần hơn.
"Đấy! Bạn hỏi tôi từ ngày dịch cuộc sống gia đình thế nào? Nó là những gì bạn chứng kiến. Nhà một đứa đã đau đầu, giờ 5 đứa nên lúc nào cũng ồn ào, cãi vã. Chỉ khi lũ tiểu yêu đi ngủ thì mới có chút yên lặng thôi…" - Anh Thư mỉm cười tâm sự.
Năm 2013, Việt Nam ghi nhận ca sinh 5 đầu tiên trong lịch sử y học. 5 đứa trẻ "đủ nếp đủ tẻ" được đặt tên lần lượt là: Nguyễn Lê Quách Thế Huynh, Nguyễn Lê Quách Thế Đệ, Nguyễn Lê Quách Thế Lộc và 2 bé gái Nguyễn Lê Quách Phượng và Nguyễn Lê Quách Muỗi, đến nay đã bước vào kỳ đầu tiên của lớp 1.
Từ khi các con đi học trường nội trú, chị Nguyễn Lê Anh Thư (SN 1985, ngụ tại Q.5, TPHCM), có thêm thời gian kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập hỗ trợ gia đình.
5 đứa trẻ trong ca sinh 5 đầu tiên ở Việt Nam.
Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 bùng phát, chị Thư đành phải bỏ việc để có 100% thời gian ở nhà chăm sóc 5 con. Ghé thăm con hẻm nhà chị Thư trên đường Trần Bình Trọng những ngày gần đây, từ đầu hẻm đã nghe tiếng rộn ràng trẻ con nô đùa, chí choé. Căn nhà 30m2 của chị gần như thành một lớp mẫu giáo cho 5 đứa con 7 tuổi.
"Nhiều người hỏi chị có stress, trầm cảm sau ca sinh lịch sử này không? Thiệt sự thì cả ngày cho tụi nhỏ ăn, dạy học, giữ cho không đánh nhau cũng hết ngày rồi nên chị hổng có thời gian để suy nghĩ nữa, để bệnh hay stress nữa…".
5 đứa trẻ khiến mẹ con bà Kim nhiều lúc phải đau đầu.
Hằng ngày, chị và mẹ chồng (bà Nguyễn Thị Kim) phải thay phiên nhau chăm sóc 5 đứa trẻ.
8h sáng, các con thức giấc thì tiếng trẻ con đã rộn ràng khắp xóm. Trong khi chị Thư tất bật sắp xếp mền gối thì bà Kim chịu trách nhiệm chia bọn trẻ làm 2, lần lượt rửa mặt, chải chuốc tóc tai, quần áo cho từng cháu. Nhiều lúc các con quậy phá, chọc ghẹo nhau, chị Thư phải dùng đủ biện pháp từ dỗ ngọt, la lớn tiếng, đánh roi để đe.
"Nghỉ học quá lâu khiến tụi nhỏ quên gần hết, nhất là các phép tính. Mỗi ngày, ăn sáng xong chị lại nhờ cô giáo in bài tập gửi về, chị ngồi chỉ dạy từng đứa làm. Giờ học kéo dài có 2 tiếng thôi, nhưng hết đứa này tới đứa khác bày chuyện. Ồn ào lắm.." - chị Thư chia sẻ.
Bà Kim đi chợ về thì 2 mẹ con chị Thư lại lao vào bếp nấu ăn. Khẩu phần ăn lớn mất hơn 2 tiếng đồng hồ chuẩn bị, thế nhưng, chốc chốc bà Kim vẫn phải để mắt ngăn một trận "choảng" nhau giữa các cậu con trai.
Chuẩn bị đồ ăn xong, chị Thư với mẹ chồng, người thì 3, người thì 2, chia bọn trẻ ngồi ở phòng bếp và phòng khách để cho ăn. Tụi trẻ vừa ăn vừa dán mắt vào bộ phim hoạt hình trên điện thoại rồi cự cãi, khiến giờ cơm kéo dài hơn nửa tiếng.
"Mấy ngày đầu, tụi nhỏ ở nhà, ồn ào, hàng xóm chịu không nổi nên góp ý. Nhưng giờ ở lâu mọi người đều thương, đều quý nên tụi nó hò hét nhiều quá thì mấy cô mấy chú nhắc nhở: "Nhỏ thôi, nhỏ thôi". Tụi nhỏ ngoan nên cũng nghe lời lắm…" - bà Kim chia sẻ.
Chị Thư mất 2 tiếng để nấu nướng cả ngày cho con.
Bà Kim cũng phụ giúp con gái.
Cả hai phải chia 5 đứa trẻ làm 2 nhóm để tiện bề chăm sóc.
Từ ngày xảy ra dịch COVID-19, chị Thư dành thời gian để chỉ dạy các con làm các công việc nhỏ trong nhà. Anh hai Đệ giờ đã phụ được mẹ lau nhà, anh ba Đệ thì sắp xếp mùng mền, bảo ban các em đánh răng rửa mặt sạch sẽ. Còn Phượng, Muỗi, 2 cô con gái trong nhà thì tham gia rửa chén sau mỗi bữa ăn gia đình.
Để bảo vệ sức khoẻ cho các con, chị Thư đã chuẩn bị đầy đủ khẩu trang y tế, đồng thời hạn chế không cho 5 con ra khỏi nhà. Mọi nhu cầu thiết yếu của gia đình hiện tại đều được bà Nội mua về hoặc chị Thư sẽ tự đặt hàng trên mạng để giao đến tận nhà.
Mọi chi phí gia đình đều nhân 5 khiến nhiều lúc gia đình chị khó khăn.
"Có 5 đứa mọi chi tiêu trong nhà đều phải nhân 5 lên nên lắm lúc khó khăn lắm, chi phí có tháng lên đến 20 triệu. Chồng chị lái xe taxi, giờ cũng phải làm việc từ 6 giờ tối đến sáng hôm sau để kiếm tiền. Thế nhưng dịch bệnh kéo dài khiến doanh thu giảm, nhiều lúc gia đình vẫn không xoay trở. Được cái tụi nó biết gia đình khăn khăn nên cũng không đòi hỏi gì." - chị Thư nói thêm.
Năm 2012, sau đám cưới 9 tháng, gia đình chồng hối sinh con nên vợ chồng chị Lê Huỳnh Anh Thư đã tìm đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM để canh ngày rụng trứng. Do đã vài lần thất bại nên khi được thông báo đậu thai, cả gia đình chị vui mừng khôn siết.
Niềm vui chưa bao lâu thì lần đầu tiên đi khám thai, bác sĩ chẩn đoán chị Thư mang thai 3. Bác sĩ đề nghị bỏ bớt một đứa trẻ để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ, thế nhưng vì thương con nên chị Thư vẫn quyết giữ lại tất cả.
Đến kỳ khám thai thứ 2, bác sĩ siêu âm và thông báo mang thai 4 khiến gia đình chị Thư "tím tái mặt mày". "Ở Việt Nam khi ấy chỉ mới có 1-2 ca sinh 4 thôi, chị thì nặng có 38 ký nên sợ lắm. Chồng cũng lo lắng sợ không đủ tiền để nuôi tất cả. Nhưng tất cả mọi chuyện đã rồi nên chị nghĩ mọi chuyện rồi sẽ qua…"
Quãng thời gian mang thai, chị Thư gặp đủ khó khăn trong ăn uống, di chuyển. Mỗi lần đi lại trong nhà, chị đều ôm tay dưới bụng để bệ con, bác sĩ nhiều lần khuyên chị Thư khâu tử cung để tránh tình trạng tuột con, bắt gia đình ký cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm… khiến 2 bên Nội Ngoại phải huy động chăm sóc chị.
Đến tuần thứ 33 tuần thì chị Thư quyết định mổ. "Lúc đẻ chỉ đóng tiền 4 đứa, bác sĩ mổ lấy đúng 4 đứa trẻ. Đến lúc cuối trong lúc đang tính khâu bụng lại thì con út nó đạp bụng đòi ra, lúc đó bác sĩ mới biết có thêm đứa cuối cùng là tổng cộng 5 người con. Cả nhà vừa buồn vừa vui…".
Dù khó khăn, nhưng vợ chồng chị Thư vẫn cố gắng để nuôi dạy con nên người.
Với chị, 5 đứa con trong ca mang thai lịch sử là một món quà đặc biệt.
Vì sinh non nên 5 đứa trẻ nhỏ xíu, đứa lớn nhất chỉ được 2kg, đứa út thì 1,3kg, buộc phải nằm lồng kính hơn nửa tháng. Riêng chị Thư thì vừa vào phòng hồi sức đã lên cơn hậu sản, co giật và mất máu liên tục.
Rất may ngay lúc đó, linh tính mách bảo bà Kim vào thăm con. Thấy chị Thư lên cơn nguy kịch, bà liền kêu gọi bác sĩ hội chuẩn, truyền máu cứu con dâu. "Mấy ngày sau, Thư nó đi vệ sinh mà còn ngất luôn trong đó, chồng nó phải vác ra khỏi nhà vệ sinh, tiếp tục truyền máu. Thật sự nghĩ lại vẫn ám ảnh…" - bà Kim nhớ lại.
Sau một hồi vui chơi, bọn trẻ lại ngồi cạnh Nội để chùi mồ hôi.
Anh cả Huynh hiền lành, anh hai Đệ quậy phá...
"Giờ đây, chị chỉ mong muốn có thể nuôi dạy các con nên người" - chị Thư tâm sự.
Từ lúc 5 con chào đời, gia đình hai bên Nội Ngoại cùng hàng xóm phải luôn túc trực chăm sóc. Tuy kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, nhưng đổi lại, căn nhà chị Thư luôn rộn ràng tiếng cười.
"Với chị, ca sinh 5 đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam này như một món quà đặc biệt vậy. Giờ đây, chị chỉ mong muốn có thể nuôi dạy các con nên người" - chị Thư tâm sự.