Người sáng lập của nhà bán lẻ giày và quần áo trực tuyến Zappos - Tony Hsieh, qua đời vào tháng 11/2020, không để lại di chúc nêu chi tiết những gì ông muốn làm với bất động sản và tài sản của mình. Tổng tài sản của CEO Zappos trị giá 500 triệu USD.
Và ở thời điểm hiện tại, gia đình và bạn bè của Hsieh đang gặp nhiều khó khăn trong việc phân chia tài sản của triệu phú quá cố. Một số người thậm chí còn khẳng định rằng Hsieh nợ họ hàng triệu USD, bất động sản và nhiều tài sản có giá trị khác.
Mới đây, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng khi còn sống, Hsieh đã ghi lại chi tiết một số giao dịch kinh doanh trên các tờ giấy nhớ. Trong căn nhà ở thành phố Park City của Hsieh, người ta tìm thấy hàng nghìn tờ giấy nhớ như vậy, được dính trên tường.
Một trong những người quen của Hsieh đang đệ đơn lên tòa án dựa trên các mảnh giấy ghi chú đó. Mark Evensvold là người đệ đơn yêu cầu bồi thường 30 triệu USD, dựa trên một tờ giấy nhớ được viết 3 tháng trước khi Hsieh qua đời.
Wall Street Journal tiết lộ nội dung của tờ giấy là Hsieh sẽ trả cho Evensvold 450.000 USD để chuyển đến Park City và đảm nhận vị trí giám đốc dự án, đồng thời chia cho ông 20% cổ phần trong một nhà hàng.
Trong khi đó, gia đình của Hsieh dường như cũng đang rất nóng lòng để thừa kế tài sản của ông. Theo Wall Street Journal, họ đang tranh cãi nảy lửa về việc ai là người chăm sóc cho Hsieh và ai là người chỉ muốn kết thân với ông vì địa vị và tiền bạc.
Một số người đã nói với tòa án rằng vài người thân, bao gồm Andy, em trai của Hsieh, đã tạo điều kiện cho cựu CEO lạm dụng ma túy và rượu. Mặt khác, gia đình của Hsieh lại nói trong hồ sơ trình lên tòa án, rằng bạn bè của Hsieh đã thúc đẩy ông thực hiện các khoản đầu tư "bốc đồng" và "không rõ ràng".
Đến nay, đại diện của gia đình Hsieh chưa trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề trên.
Hsieh rời vị trí CEO Zappos vào tháng 8/2020 sau 20 năm gắn bó với công ty. Ông được biết đến với việc khởi xướng các chính sách độc lập tại nơi làm việc, bao gồm "Holacracy". Đây là mô hình quản trị không cần nhà lãnh đạo, theo đó, nhân viên không chịu sự chỉ đạo từ chủ doanh nghiệp mà có thể tự đưa ra quyết định, miễn là công việc đạt hiệu quả tốt nhất.
Tony Hsieh (Ảnh: Internet).
Hsieh cũng là người tiên phong trong việc trả cho nhân viên mới, không hài lòng 2.000 USD để họ nghỉ việc. Điều này giúp loại bỏ những người không tận tâm và đam mê với công việc tại Zappos.
Năm 2020, Hsieh bắt đầu dùng ma túy và uống rượu nhiều hơn. Mọi thứ càng trở nên trầm trọng hơn do các quy định giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19. Thậm chí, một số người bạn cho biết Hsieh ngày càng có đam mê với lửa, và việc tìm xem cơ thể của mình sẽ ra sao nếu thiếu đi các điều kiện sống.
Có thời điểm, Hsieh còn bỏ đói bản thân khiến cân nặng giảm xuống còn hơn 45kg, nhịn đi tiểu, thở bằng oxit nitơ thay vì khí oxy. Ngoài ra, Hsieh cũng dần xa cách với gia đình và bạn bè.
Cuối cùng, cuối năm 2020, Hsieh được phát hiện chết trong một vụ cháy nhà ở Connecticut. Các nhà điều tra kết luận rằng cựu CEO Zappos đã tự nhốt mình trong một nhà kho của căn nhà, không có dấu hiệu của tội phạm mà vụ cháy có thể "do bất cẩn hoặc một hành động cố ý của Hsieh".